July 8, 2009

Người Việt và chinh quyền Cộng Sản

"Cộng Sản đã khép lại quá khứ được với Pháp, với Mỹ, với Cambodia, với cả Trung Quốc nữa. Thế nhưng tại sao Cộng Sản lại không khép lại quá khứ với những người Việt Nam không cộng sản"? Mới đọc nhiều người không đồng ý với tác giả, nhưng đọc kỹ sẽ thấy cách tác giả định nghĩa người "Việt Nam không cộng sản"


32 năm rồi, sao cộng sản vẫn cứ đố kỵ người dân?
Vũ Quí Hạo Nhiên

Trong lịch sử ngắn ngủi từ khi thành lập, đảng Cộng Sản Việt Nam bỏ ra 24 năm đánh Pháp, 19 năm đánh Mỹ và “ngụy”, rồi lại gây hấn với Cambodia, Trung Quốc. Đến nay, Cộng Sản đã khép lại quá khứ được với Pháp, với Mỹ, với Cambodia, với cả Trung Quốc nữa. Thế nhưng tại sao Cộng Sản lại không khép lại quá khứ với những người Việt Nam không cộng sản, mà lại cứ đố kỵ họ mãi mãi?

Đó là câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi, lởn vởn từ lâu lắm rồi, chứ không phải chỉ mới đây, khi ông Xuân Hồng đài BBC phỏng vấn cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, một nhân vật có uy tín trong đảng Cộng Sản, và ông Kiệt đặt câu hỏi: Sao “chúng ta” lại “cứ đố kỵ lẫn nhau”?

Tôi không hề thấy “chúng ta” nào đi “đố kỵ lẫn nhau” ở đâu cả. Nói “lẫn nhau” là nói sự đố kỵ qua lại hai chiều, trong khi tôi chỉ thấy có sự đố kỵ theo một chiều: Tôi chỉ thấy đảng Cộng Sản đố kỵ người dân Việt Nam.

Không có “chúng ta” nào đi chiếm đoạt đất đai “lẫn nhau” ở Việt Nam. Nhưng có hàng mấy trăm vụ viên chức đảng viên Cộng Sản, nhiều khi móc nối với tư bản nước ngoài, cướp đoạt đất đai của dân (chẳng phải “ngụy” chẳng phải “Việt gian,” chỉ đơn thuần là “dân”). Người dân phải ngồi dưới mưa, dưới nắng, chầu chực hàng tuần, hàng tháng bên ngoài những “Phòng Tiếp Dân” ở các tỉnh thành, trong đó khu vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội và khu Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố tại Sài Gòn chỉ là một phần. Đối xử với đồng bào mà như cỏ rác, gọi là “đố kỵ” thì vẫn là dễ dãi.

Không có “chúng ta” nào làm khó dễ “lẫn nhau” khi muốn làm ăn lương thiện, muốn lập công ty, muốn đóng tiền thuế, muốn được hành nghề của mình. Nhưng có trùng trùng điệp điệp các cơ quan “quản lý” để cấm đoán, để hạch sách, để người dân phải đi tới đi lui đi lên đi xuống nghe những nhà cầm quyền cấp thấp nhất bắt bẻ đủ điều. Cai trị đồng bào mà tệ hơn thực dân, gọi là “đố kỵ” thì vẫn là dễ dãi.

Không có “chúng ta” nào phân chia giai cấp “lẫn nhau”. Nhưng có một hệ thống kinh tế - chính trị trong đó đảng viên và con cái của họ thì được mọi đặc quyền đặc lợi, tha hồ tham nhũng lạm quyền rồi được che chở, tung hoành như những ông vua con, trong khi người thường dân thì bị chèn ép, chức vụ sự nghiệp bị giới hạn, ngành nghề cũng khó khăn, làm việc này thì được, việc kia thì không. Đối xử với đồng bào mà thua đầy tớ, gọi là “đố kỵ” thì vẫn là dễ dãi.

Không có “chúng ta” nào cấm đoán “lẫn nhau” không được nói, không được viết, không được in, không được phân phát, không được bày tỏ ý kiến của mình. Mà lại có hẳn một Ban Tư Tưởng Văn Hóa trung ương và địa phương, có các bộ, sở, phòng, ban, ngành, và tầng tầng lớp lớp các luật, nghị định, quyết định, cấm nghĩ, cấm nói, cấm viết, cấm in, cấm “chat” trên internet. Xem dân như người ngu, không được tự suy nghĩ, gọi là “đố kỵ” thì vẫn là dễ dãi.

Chưa kể đến người người lớp lớp đội ngũ công an, an ninh rình rập, bắt bớ, chụp mũ, bịt miệng những người dám nghĩ khác, nói khác, viết khác với ý của đảng cầm quyền. Canh dân như canh tù, gọi là “đố kỵ” thì vẫn là dễ dãi.

Đó là đối với người trong nước. Còn với người Việt Nam ở hải ngoại thì sao?

Hàng năm, người Việt Nam ở hải ngoại chuyển tiền về, qua trung gian hệ thống ngân hàng của nhà nước, hơn 2 tỷ đô la tiền mồ hôi nước mắt kiếm được. Như thế không thể nói là người ta đố kỵ.

Tại Mỹ, du học sinh qua học, trong đó có không ít du học sinh là con em các đảng viên trung cấp, cao cấp, ở trọ trong nhà những gia đình từng là nạn nhân cộng sản, hoặc được bao che để làm việc (trái luật di trú) trong các nhà hàng, cửa tiệm của những người từng là nạn nhân chế độ. Như thế không thể nói là người ta đố kỵ.

Hàng năm, người Việt Nam ở hải ngoại về qua hai cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất hơn 3 triệu lượt người. Trong số những người về Việt Nam, có rất nhiều người từng bị giam giữ nhiều năm trong trại tù cải tạo, từng gian khổ vượt biên, từng bị hải tặc, từng có thân nhân thiệt mạng. Nay người ta vẫn đi về Việt Nam, thăm họ hàng bạn bè, du lịch, làm việc thiện nguyện trong khắp ba miền Nam Trung Bắc. Như thế không thể nói là người ta đố kỵ.

Nhưng khi người ta có một tấm bia tưởng niệm nho nhỏ, đặt tại hai hòn đảo hoang sơ bên Malaysia và Indonesia, hai đảo chỉ có giá trị tình cảm với người vượt biên, chứ chẳng đụng chạm gì tới chính quyền Việt Nam, vậy mà củng cố gắng vói tới đó cho bằng được để áp lực chính quyền đục lỗ đập bỏ bia tưởng niệm. Làm như thế còn tệ hơn “đố kỵ” rất nhiều lần.

Nên nói rằng không có việc gì mà “chúng ta” phải “đố kỵ nhau” mãi mãi là một câu nói quá dễ, nhưng tôi muốn nhắc ông Võ Văn Kiệt rằng người đang đố kỵ không phải là người Việt Nam nói chung, không phải người Việt Nam ở hải ngoại, lại càng không phải những nhà đấu tranh cho dân chủ đang bị bịt miệng cầm tù.

Không, người mà hiện đang đố kỵ đồng bào của mình chính là những bạn đồng chí trong cùng đảng với ông Kiệt.

Người cộng sản hiện đang nắm quyền trong tay, đồng thời khẳng định sẽ mãi mãi nắm quyền trong tay, mà lại đi đố kỵ người ta, đó mới là sự đố kỵ nguy hiểm. Tôi hy vọng người cộng sản sẽ nghe lời ông Kiệt mà ngưng những hành động đố kỵ (và nặng hơn thế!) của họ.