Hãy bao dung, tin tưởng và dũng cảm
Dân tộc Việt chúng ta đã trải qua bao thăng trầm trong suốt gần 5.000 năm lịch sử. Bằng sức sống bền bỉ, bằng bàn tay cần cù và khối óc không ngừng tìm tòi sáng tạo, dân tộc ta đã vượt qua bao gian khổ, bao nguy cơ đồng hóa và diệt vong, để tồn tại và phát triển. Nhưng trong hơn một trăm năm nay dân tộc ta lại đứng trước một thách thức mới tương tự như thách thức hồi cuối thiên niên kỷ thứ nhất.
Nếu đầu thiên niên kỷ thứ hai các bậc tiền nhân của chúng ta đã không những vượt qua được nguy cơ đồng hóa đến từ phương Bắc mà còn vươn lên xây dựng được một đất nước hưng thịnh và hùng cường thì ngày nay chúng ta cũng đang đứng trước một nhiệm vụ tương tự nhưng khó khăn hơn rất nhiều. Khi phải đối diện với một phương Tây đã bắt đầu bước vào đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào cuối thế kỷ trước, dân tộc ta đã hoàn toàn không được chuẩn bị. Giới lãnh đạo lúc đó đã tỏ ra vừa bất tài vừa thiếu viễn kiến, để đất nước dễ dàng rơi vào vòng đô hộ của người Pháp. Từ đó đến nay dân tộc ta vẫn chưa thật sự thoát khỏi cơn xoáy lốc của thời đại. Sinh lực dân tộc đã bị hoang phí trong cuộc tranh giành và mặc cả giữa các quyền lực quốc tế. Dân tộc ta vẫn chưa tìm lại được bản sắc, niềm tự tin và sức mạnh của mình. Thế hệ chúng ta và con cháu chúng ta có trách nhiệm nhanh chóng đưa dân tộc thoát ra khỏi cảnh nghèo hèn bế tắc hiện nay để noi gương tiền nhân phục hưng đất nước vào đầu thiên niên kỷ thứ ba.
Để làm được điều đó trước hết chúng ta cần nhận rõ được cả những điểm yếu kém của dân tộc chúng ta hiện nay lẫn những cơ may đang mở ra cho đất nước chúng ta.
Điểm yếu kém đầu tiên và trầm trọng nhất nằm ngay trong chính bản thân tình trạng văn hóa hiện nay của dân tộc ta. Sau thời kỳ hưng thịnh Lý – Trần dài gần 500 năm với hệ thống văn hóa phong tục tổng hợp tam giáo Đông phương với tinh thần dân bản thời Lạc Việt, đất nước ta phát triển thêm về phía Nam, tiếp thu thêm nhiều chất liệu văn hóa mới. Khi người Pháp sang xâm chiếm nước ta, tuy nước ta đã thống nhất về mặt chính trị và địa lý, nhưng về mặt văn hóa chúng ta chưa kịp dung hợp những chất liệu văn hóa mới với nền văn hóa nơi đất cổ miền Bắc. Hơn nữa bản thân nền văn hóa thời Hậu Lê và Nguyễn đã bị Tống Nho ngự trị, không còn giữ được tính chất tổng hợp như thời Lý – Trần nữa. Người Pháp cùng với người Mỹ lại mang thêm nền văn hóa Âu – Mỹ và sau đó, cùng với trào lưu tư tưởng Tây phương là chủ nghĩa cộng sản. Với bao nhiêu chất liệu văn hóa mới đó, chúng ta chưa kịp đãi lọc và dung hợp với nền tảng văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ngày nay đất nước ta lại lâm vào tình trạng độc tôn văn hóa và chính trị-xã hội làm triệt tiêu khả năng dung hóa và tổng hợp, một việc làm cần thiết để vừa giữ được nét đặc thù dân tộc, vừa hòa nhập được vào dòng tiến hóa chung của toàn thể nhân loại. Không thực hiện được cuộc đại tổng hợp văn hóa mới đó, dân tộc ta vừa khó giữ được sự thống nhất dân tộc vừa không thể tiến bộ được. Độc lập chính trị sẽ không bền vững nếu không có độc lập văn hóa, nhất là trong thời đại toàn cầu đa văn hóa, đa dân tộc trong thiên niên kỷ thứ ba này.
Điểm yếu kém thứ hai là cơ chế chính trị độc tài cộng sản hiện nay. Chế độ cộng sản chưa hề chứng tỏ có khả năng phát triển xã hội ở bất cứ nước nào trên thế giới, ngay cả ở tại trung tâm quốc tế cộng sản trước đây. Riêng ở nước ta, con đường cộng sản suốt mấy chục năm qua chỉ đưa nhân dân và đất nước đến chiến tranh, chia rẽ, nghèo khổ và bế tắc. Nó có thể khai thác được sức mạnh của dân chúng trong chiến tranh chống ngoại xâm nhưng không thể khơi dậy được tiềm năng dồi dào của dân tộc trong hòa bình, xây dựng và phát triển bền vững và có nhân phẩm. Ngày nay những nhà lãnh đạo cộng sản vẫn duy trì các chính sách độc đoán, độc quyền lỗi thời hoàn toàn không phù hợp với cục diện mới của thế giới, đi ngược lại trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, và do đó tiếp tục cản trở bước tiến của dân tộc. Tình trạng đó nếu không được nhanh chóng thay đổi có nguy cơ dẫn đến rối loạn xã hội làm chậm thêm tiến trình phát triển của đất nước vốn đã chậm quá rồi.
Điểm yếu kém thứ ba là đất nước ta chậm tiến trong một thời gian quá lâu dài. Mức sống quá thấp, mọi cơ sở hạ tầng đều quá lạc hậu so ngay với các nước chung quanh, những nước mà chỉ hai, ba mươi năm trước đây họ cũng có trình độ phát triển chỉ tương đương với miền Nam Việt Nam. Chúng ta sẽ phải mất thêm thời gian, tiền bạc và công sức để gây dựng lại cơ sở hạ tầng, như đường xá, điện nước, bệnh viện và nhất là trường học. Riêng về giáo dục thì đây là chìa khóa của phát triển. Chúng ta sẽ phải tìm tòi các phương thức thật mới mẻ, vận dụng những tiến bộ của mọi ngành, đặc biệt là ngành truyền thông điện tử, để nhanh chóng đưa dân trí lên cao, trang bị cho toàn dân những kiến thức và khả năng khoa học kỹ thuật từ phổ thông tới cao cấp trong một thời gian ngắn nhất. Để làm được việc đó chúng ta phải chú trọng tới nền giáo dục ngoài học đường dành cho toàn dân, thuộc mọi lứa tuổi, vừa làm vừa học thêm. Một hệ thống giáo dục toàn dân phải được thiết lập để, cùng với cơ chế chính trị dân chủ và nền kinh tế thị trường, tác động tích cực vào sự hình thành xã hội dân sự cởi mở, tự do và nhân bản. Điều này chỉ có được trong một thể chế chính trị dân chủ pháp trị, bảo đảm cơ hội bình đẳng, tự do cho toàn dân Việt, chấp nhận mọi khác biệt về giai tầng, địa phương, tôn giáo, tư tưởng và chính kiến.
Điểm yếu kém thứ tư là tình trạng phân rẽ trong đại gia đình dân tộc. Đây là hậu quả của ba nhược điểm nêu trên. Chưa dung hòa, chấp nhận được những chất liệu văn hóa tư tưởng khác nhau ngay chính trong lòng nền văn hóa dân tộc, lại bị áp đặt (với cả máu lệ và khổ nhục, trong tranh chấp và chia rẽ) những tư tưởng từ phương Tây đến, cả tư bản lẫn cộng sản. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật của Tây phương mở ra những cơ may lớn lao giúp dân tộc ta có thể vượt thoát được những nhược điểm văn hóa xã hội của mình. Nhưng khi chưa thâu hóa sáng tạo được thì những dị biệt và bất đồng, trong bối cảnh tương tranh quốc tế, đã gây ra mâu thuẫn và chia rẽ dân tộc. Rồi những người cộng sản lại triệt tiêu mọi cơ hội và khả năng hòa hợp và thống nhất dân tộc bằng tuyên truyền và bạo lực, bằng độc tôn và độc quyền, bằng tiêu diệt mọi dị biệt và bất đồng. Khi dân tộc chưa tìm được sự đồng thuận văn hóa thì tự do dễ dẫn đến mâu thuẫn và chia rẽ, nhưng bạo lực và độc tôn không bao giờ thu phục được lòng người và đoàn kết được dân tộc. Chỉ có bao dung văn hóa đi kèm với niềm tin nhân bản và dũng cảm chính trị mới khơi dậy được niềm tin và sức mạnh tự đáy lòng của mỗi người và đáy tầng của xã hội. Và chỉ ở đáy lòng của mỗi người và đáy tầng của xã hội chúng ta mới tìm thấy được mạch sống chung của cả dân tộc và của mỗi người Việt. Và chỉ có bao dung và dũng cảm mới dám chấp nhận một cơ chế chính trị mở, tạo ra và bảo đảm (bằng luật pháp) các điều kiện và cơ hội cho mọi người thuộc mọi khuynh hướng tư tưởng và chính trị khác nhau được cùng sống và cùng tiến trong an hòa, nhân ái để chung sức xây dựng đất nước.
Tự do và dân chủ là con đường tiến hóa tất yếu của nhân loại và dân tộc. Nhưng tự do không có tự chủ, tự giác và tự động sẽ dẫn tới hỗn loạn và từ đó tạo lý cớ cho áp chế và bạo quyền. Tự do như thế phải được thể hiện qua một quá trình sinh sống và làm việc trong tinh thần của cơ chế dân chủ pháp trị. Đồng thời tự chủ, tự giác và tự động cũng không tự nhiên có được mà phải được hình thành trong sinh hoạt thực tiễn mọi mặt của một xã hội cởi mở và nhân ái – một xã hội nhân trị - trong đó giáo dục, chính trị và kinh tế là ba mặt thống nhất của một nếp sinh họat xã hội tôn trọng nhân phẩm, có nhân bản và hợp nhân tính. Nước ta cần một cấu trúc chính trị-xã hội hai tầng, thượng tầng chính trị dân chủ pháp trị và hạ tầng văn hóa xã hội nhân trị.
Đó là phương hướng căn bản để khắc phục bốn nhược điểm của dân tộc ta, tạo được sự hòa hợp dân tộc chân chính làm cơ sở thực hiện cuộc tổng hợp văn hóa mới, một đồng thuận văn hóa cho toàn dân, tạo điều kiện để đất nước phát triển bền vững và mở đường cho dân tộc phục hưng.
Thiên niên kỷ mới đang mở ra một môi trường đầy thuận lợi cho dân tộc ta, cũng như cho mọi dân tộc khác. Những khám phá và ứng dụng tiến bộ của thế giới trong cả ba ngành khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn trong 50 năm qua, nhất là trong những thập niên gần đây, đã cung cấp cho mọi dân tộc các điều kiện và cơ hội ngày càng thuận lợi hơn cho việc xây dựng một xã hội tự do, nhân bản, trong đo mỗi người có thể phát huy tiềm năng tự chủ, tự giác và tự động. Những thành tựu đó cũng đang giúp tháo gỡ nốt những hệ tư tưởng và cơ chế chính trị xã hội còn lại, mang tính máy móc, cực quyền, mất nhân bản và phi nhân tính. Một xã hội cởi mở nhân bản toàn cầu đang xuất lộ. Toàn cầu hóa đang là xu thế chung, không phải chỉ trong lãnh vực kinh tế mà cả trong lãnh vực văn hóa và chính trị. Một thế giới nhân loại đồng nhất thể trong tôn trọng đa dạng (“unity in diversity”) đang hình thành trong đó các sắc thái khác nhau về chủng tộc và văn hóa không những không bị xóa nhòa mà còn trở thành những chất liệu đa dạng và phong phú của nền văn hóa nhân loại toàn cầu.
Dân tộc Việt phải phục hưng và có thể phục hưng cùng với các dân tộc khác, đặc biệt là các dân tộc anh em trong khu vực Đông Nam Á, trong khung cảnh một thế giới nhân loại nhất thể và nền văn hóa nhân bản toàn cầu như thế. Mọi điều kiện cho thời kỳ phục hưng dân tộc đã đầy đủ. Chỉ còn thiếu một cơ chế văn hóa, chính trị-xã hội cởi mở và nhân bản để tạo cơ hội bình đẳng cho nhân tài xuất hiện. Chúng ta hãy cùng nhau tích cực làm việc để gỡ bỏ đi những trở lực, tạo ra được những điều kiện nhân xã thuận lợi, mở đường cho cơ chế đó ra đời.
Với lòng bao dung dân tộc, với ý chí và sự dũng cảm chính trị, và với niềm tin vào khả năng tự chủ và tự giác của mỗi con người, vào sức mạnh tiềm ẩn của cả dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được điều đó. Dân tộc Việt sẽ phục hưng trong một nhân loại thái hòa.
2009 Đoàn Viết Hoạt