June 30, 2009

Vụn vặt

Một thoáng theo mây ta về ký ức
Gỏ cửa Trường Sơn ta hát giữa rừng
Hôn dấu giày sô vạt đời chinh chiến
Thương nhớ bạn bè súng đạn đâu lưng

Một thoáng theo mây ta về sông cũ
Qua nhịp cầu Ghềnh ...nao nức gót chân
Hơi thở Đồng Nai mặn mà quyến rủ
Xin trả lại Người món nợ trầm luân

Một thoáng theo mây rơi dài nước mắt
Khóc nỗi bạn bè... lưu lạc bốn phương
Thằng mất thằng còn - Nổi trôi vận nước
Giọt ngắn giọt dài ướt đẩm quê hương

Một thoáng theo mây ta về Thủ Đức
Đứng giữa Quân trường hô nghỉ hô nghiêm
Xin học lại bài... Tám tuần huấn nhục
Để trả cho đời những phút bình yên

Một thoáng theo mây ngủ trên thành phố
Thành phố Saigòn của tuổi thơ ta
Nơi ta đã quen... quen từng viên đá
Mòn cả sân trường... mòn cả lời ca

Một thoáng theo mây ta về cội nguồn
Quì gối cúi đầu trước mặt Hùng Vương
Một lũ con cha mang dòng Bách Việt
Hoài bão lưng chừng đánh mất quê hương

Trạch Gầm

Tặng vật trần gian

Tưởng tượng
Suối nguồn của thực tại Tưởng tượng
Mạch sống của trời đất
Thực tại hồi sinh ,sống dậy từ cỏi hư không
và chuyển trở về vùng đất mẹ
hãy nuôi nấng,vun tròn vùng trí tưởng
Gồm cả những thực tại ắp đầy sức sống
Tưởng tượng như giếng nước tươi mát
hảy nhẹ nhàng uống cạn
nguồn nước ngon ngọt dịu dàng
nguồn dinh dưỡng muôn đời của vạn vật
Tưởng tượng như những tặng vật trần gian
Mãi mãi tạo sinh động,phong phú và giàu có
Nguồn của sáng tạo
Mầm của vạn vật
Thực tại của vũ trụ
Và mãi mãi
Con người.....
NVV.




June 28, 2009

BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO NGUYỄN TRẢI

Thay trời hành hoá, hoàng thượng truyền rằng.
Từng nghe:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Cho nên:
Lưu Cung tham công nên thất bại;
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong;
Cửa Hàm tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi.
Vừa rồi:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thưà cơ gây hoạ
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời.
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi !
Lẽ nào trời đất dung tha? Ai bảo thần dân chịu được?
Ta đây:
Núi Lam sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Ngẫm thù lớn há đội trời chung
Căm giặc nước thề không cùng sống
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh,
Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
Những trằn trọc trong cơn mộng mị,
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi
Vừa khi cờ nghĩa dấy lên,
Chính lúc quân thù đang mạnh.
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đở đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc,
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông,
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả.
Thế mà:
Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi.
Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối.
Phần vì giận quân thù ngang dọc,
Phần vì lo vận nước khó khăn,
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi Huyện quân không một đội.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng trí khắc phục gian nan.
Nhân dân bốn cỏi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào.
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh,
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.
Trọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí đã hăng
Quân thanh càng mạnh.
Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
Lý An, Phương Chính, nín thở cầu thoát thân.
Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm
Tuỵ Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
Phúc tâm quân giặc: Trần Hiệp đã phải bêu đầu
Mọt gian kẻ thù: Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
Vương Thông gỡ thế nguy, mà đám lửa cháy lại càng cháy
Mã Anh cứu trận đánh mà quân ta hăng lại càng hăng.
Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt,
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công.
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian.
Bởi thế:
Thằng nhãi con Tuyên Đức động binh không ngừng
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy
Đinh mùi tháng chín, Liễu Thăng đem binh từ Khâu Ôn kéo lại
Năm ấy tháng mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang.
Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong
Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực
Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu
Ngày hăm lăm, bá tước Lương Minh đại bại tử vong
Ngày hăm tám, thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn.
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau
Lại thêm quân bốn mặt vây thành
Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc
Sĩ tốt kén người hùng hổ
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.
Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay! Ánh nhật nguyệt phải mờ
Bị ta chặn ở Lê Hoa, quân Vân Nam nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật!
Nghe Thăng thua ở Cần Trạm, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
Suối Lãnh Câu, máu chảy thành sông, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen.
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kì diệu
Cũng là chưa thấy xưa nay
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ;
Than ôi!
Một cỗ nhung y chiến thắng,
Nên công oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình,
Ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần bá cáo,
Ai nấy đều hay
Ngô Tất Tố dịch

Anh phải sống
Khái Hưng


Trên đê Yên Phụ, một buổi chiều mùa hạ.

Nước sông Nhị Hà mới bắt đầu lên to, cuồn cuộn chảy, tưởng muốn lôi phăng cái cù lao ở giữa sông đi.

Theo dòng nước đỏ lờ lờ, những thân cây, những cành khô trôi từ rừng về, nổi lềnh bềnh, như một dẫy thuyền nhỏ liên tiếp chạy thực nhanh tới một nơi không bờ không bến.

Đứng trên đê, bác phó nề Thức đưa mắt trông theo những khúc gỗ ấy tỏ ra ý thèm muốn, rồi quay lại, đăm đăm nhìn vợ, hỏi thầm ý kiến. Người vợ, ngắm sông, ngắm trời, lắc đầu thở dài, nói:

- Gió to quá, mà đám mây đen kia ở chân giời đùn lên mau lắm. Mưa đến nơi mất, mình ạ!

Người chồng cũng thở dài, đi lững thững. Rồi bỗng đứng dừng lại, hỏi vợ:

- Mình đã thổi cơm chưa?

Vợ buồn rầu đáp:

- Đã. Nhưng chỉ đủ cơm cho hai con ăn bữa chiều hôm nay.

Hai vợ chồng lại im lặng nhìn nhau... Rồi hình như cùng bị một vật, một định kiến nó thôi miên, nó kiềm áp, hai người đều quay lại phía sông: Những thân cây vẫn phăng phăng trôi giữa dòng nước đỏ.

Chồng mỉm cười, cái cười vơ vẩn, bảo vợ:

- Liều!

Vợ lắc đầu, không nói. Chồng hỏi:

- Mình đã đến nhà bà Ký chưa?

- Đã.

- Thế nào?

- Không ăn thua. Bà ấy bảo có đem củi vớt đến, bà ấy mới giao tiền. Bà ấy không cho vay trước.

- Thế à?

Hai chữ "thế à" rắn rỏi như hai nhát bay cuối cùng gõ xuống viên gạch đặt trên bức tường đương xây. Thức quả quyết sắp thi hành một việc phi thường, quay lại bảo vợ:

- Này! Mình về nhà, trông coi thằng Bò.

- Đã có cái Nhớn, cái Bé chơi với nó rồi.

- Nhưng mình về thì vẫn hơn. Cái Nhớn nó mới lên năm, nó trông nom sao nổi hai em nó.

- Vậy thì tôi về... Nhưng mình cũng về, chứ đứng đây làm gì?

- Được, cứ về trước đi, tôi về sau.

Vợ Thức ngoan ngoãn, về làng Yên Phụ.

ooOoo

Tới nhà, gian nhà lụp xụp, ẩm thấp, tối tăm, chị phó Thức đứng dừng lại ở ngưỡng cửa, ngắm cái cảnh nghèo khó mà đau lòng.

Lúc nhúc trên phản gỗ không chiếu, ba đứa con đương cùng khóc lóc gọi bu. Thằng Bò kêu gào đòi bú. Từ trưa đến giờ, nó chưa được tí gì vào bụng.

Cái Nhớn dỗ em không nín cũng mếu máo, luôn mồm bảo cái Bé:

- Mày đi tìm bu về để cho em nó bú.

Nhưng cái Bé không chịu đi, nằm lăn ra phản vừa chửi vừa kêu.

Chị phó Thức chạy vội lại ẵm con, nói nựng:

- Nao ôi! Tôi đi mãi để con tôi đói, con tôi khóc.

Rồi chị ngồi xuống phản cho con bú. Song thằng Bò, ý chừng bú mãi không thấy sữa, nên mồm nó lại nhả vú mẹ nó ra mà gào khóc to hơn trước.

Chị Thức thở dài, hai giọt lệ long lanh trong cặp mắt đen quầng. Chị đứng dậy, vừa đi vừa hát ru con. Rồi lại nói nựng:

- Nao ôi! Tôi chả có gì ăn, hết cả sữa cho con tôi bú!

Một lúc, thằng bé vì mệt quá lặng thiếp đi. Hai đứa chị, người mẹ đã đuổi ra đường chơi để được yên tĩnh cho em chúng nó ngủ.

Chị Thức lẳng lặng ngồi ôn lại cuộc đời đã qua. Bộ óc chất phác của chị nhà quê giản dị, không từng biết tưởng tượng, không từng biết xếp đặt trí nhớ cho có thứ tự. Những điều chị nhớ lại chen chúc nhau hỗn độn hiện ra như những hình người vật trên một tấm ảnh chụp. Một điều chắc chắn, chị ta nhớ một cách rành mạch, là chưa bao giờ được thư nhàn, được hưởng chút sung sướng thư nhàn như những người giàu có.

Năm mười hai, mười ba, cái đĩ Lạc, tên tục chị phó Thức, xuất thân làm phu hồ. Cái đời chị, nào có chi lạ. Ngày lại ngày, tháng lại tháng, năm lại năm...

Năm chị mười bảy, một lần cùng anh phó Thức cùng làm một nơi, chị làm phu hồ, anh phó ngõa. Câu nói đùa đi, câu nói đùa lại, rồi hai người yêu nhau, rồi hai người lấy nhau.

Năm năm ròng, trong gian nhà lụp xụp ẩm thấp, tối tăm ở chân đê Yên Phụ, không có một sự gì êm đềm đáng ghi chép về hai cái đời trống rỗng của hai người khốn nạn, càng khốn nạn khi họ đã đẻ luôn ba năm ba đứa con.

Lại thêm gặp buổi khó khăn, việc ít công hạ, khiến hai vợ chồng loay hoay, chằn vặt suốt ngày này sang ngày khác vẫn không đủ nuôi thân, nuôi con.

Bỗng mùa nước năm ngoái, bác phó Thức nghĩ ra được một cách sinh nhai mới. Bác vay tiền mua một chiếc thuyền nan, rồi hai vợ chồng ngày ngày chở ra giữa dòng sông vớt củi. Hai tháng sau, bác trả xong nợ, lại kiếm được tiền ăn tiêu thừa thãi.

Vì thế năm nay túng đói, vợ chồng bác chỉ mong chóng tới ngày có nước to.

Thì hôm qua, cái ăn, trời đã bắt đầu đưa đến cho gia đình nhà bác.

Nghĩ đến đó, Lạc mỉm cười, se sẽ đặt con nằm yên trên cái tã, rồi rón bước ra ngoài, lên đê, hình như quả quyết làm một việc gì.

ooOoo

Ra tới đê, Lạc không thấy chồng đâu.

Gió vẫn to, vù vù, gầm hét dữ dội và nước vẫn mạnh, réo ầm ầm chảy nhanh như thác. Lạc ngước mắt nhìn trời: da trời một màu đen sẫm.

Chị đứng ngẫm nghĩ, tà áo bay kêu bành bạch như tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ. Bỗng trong lòng nẩy một ý tưởng, khiến chị hoảng hốt chạy vụt xuống phía đê bên sông.

Tới chỗ buộc thuyền, một chiếc thuyền nan. Lạc thấy chồng đương ra sức níu lại các nút lạt. Chị yên lặng đăm đăm đứng ngắm đợi khi chồng làm xong công việc, mới bước vào thuyền, hỏi:

- Mình định đi đâu?

Thức trừng trừng nhìn vợ, cất tiếng gắt:

- Sao không ở nhà với con?

Lạc sợ hãi ấp úng:

- Con ... nó ngủ.

- Nhưng mày ra đây làm gì?

- Nhưng mình định đem thuyền đi đâu?

- Mày hỏi làm gì?... Đi về!

Lạc bưng mặt khóc. Thức cảm động:

- Sao mình khóc?

- Vì anh định đi vớt củi một mình, không cho tôi đi.

Thức ngẫm nghĩ, nhìn trời, nhìn nước, rồi bảo vợ:

- Mình không đi được... Nguy hiểm lắm!

Lạc cười:

- Nguy hiểm thời nguy hiểm cả... Nhưng không sợ, em biết bơi.

- Được!

Tiếng "được" lạnh lùng, Lạc nghe rùng mình. Gió thổi vẫn mạnh, nước chảy vẫn dữ, trời một lúc một đen. Thức hỏi:

- Mình sợ?

- Không.

ooOoo

Hai vợ chồng bắt đầu đưa thuyền ra giữa dòng, chồng lái, vợ bơi. Cố chống lại với sức nước, chồng cho mũi thuyền quay về phía thượng du, nhưng thuyền vẫn bị trôi phăng xuống phía dưới, khi nhô khi chìm, khi ẩn khi hiện trên làn nước phù sa, như chiếc lá tre khô nổi trong vũng máu, như con muỗi mắt chết đuối trong nghiên son.

Nhưng nửa giờ sau, thuyền cũng tới được giữa dòng. Chồng giữ ghì lái, vợ vớt củi.

Chẳng bao lâu thuyền đã gần đầy, và vợ chồng sắp sửa quay trở vào bờ, thì trời đổ mưa... Rồi chớp nhoáng như xé mây đen, rồi sấm sét như trời long đất lở.

Chiếc thuyền nan nhỏ, đầy nước, nặng trĩu. Hai người cố bơi, nhưng vẫn bị sức nước kéo phăng đi...

Bỗng hai tiếng kêu cùng một lúc:

- Giời ôi!

Thuyền đã chìm. Những khúc củi vớt được đã nhập bọn cũ và lạnh lùng trôi đi, lôi theo cả chiếc thuyền nan lật sấp...

Chồng hỏi vợ:

- Mình liệu bơi được đến bờ không?

Vợ quả quyết:

- Được!

- Theo dòng nước mà bơi... Gối lên sóng!

- Được! Mặc em!

Mưa vẫn to, sấm chớp vẫn dữ. Hai người tưởng mình sống trong vực sâu thẳm. Một lúc sau, Thức thấy vợ đã đuối sức, liền bơi lại gần hỏi:

- Thế nào?

- Được! Mặc em!

Vợ vừa nói buông lời thì cái đầu chìm lỉm. Cố hết sức bình sinh nàng lại mới ngoi lên được mặt nước. Chồng vội vàng đến cứu. Rồi một tay xốc vợ, một tay bơi. Vợ mỉm cười, âu yếm nhìn chồng. Chồng cũng mỉm cười. Một lúc, Thức kêu:

- Mỏi lắm rồi, mình vịn vào tôi, để tôi bơi! Tôi không xốc nổi được mình nữa.

Mấy phút sau chồng nghe chừng càng mỏi, hai cánh tay rã rời. Vợ khẽ hỏi:

- Có bơi được nữa không?

- Không biết. Nhưng một mình thì chắc được.

- Em buông ra cho mình vào nhé?

Chồng cười:

- Không! Cùng chết cả.

Một lát, một lát nhưng Lạc coi lâu bằng một ngày, chồng lại hỏi:

- Lạc ơi! Liệu có cố bơi được nữa không?

- Không!... Sao?

- Không. Thôi đành chết cả đôi.

Bỗng Lạc run run khẽ nói:

- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!... Không!... Anh phải sống!

Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ.

ooOoo

Đèn điện sáng rực suốt bờ sông. Gió đã im, sóng đã lặng. Một người đàn ông bế một đứa con trai ngồi khóc. Hai đứa con gái nhỏ đứng bên cạnh. Đó là gia đình bác phó Thức ra bờ sông từ biệt lần cuối cùng linh hồn kẻ đã hy sinh vì lòng thương con.

Trong cảnh bao la, nước sông vẫn lãnh đạm chảy xuôi dòng.

Khái Hưng

June 26, 2009

Những Lời dạy thực tiễn của Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ ATISA

PHẠM CÔNG THIỆN

TẤT CẢ ĐỀU CÓ SẴN TRONG TÂM THỨC CHÚNG TA

Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta:

Nếu chúng ta biết cách điều động hướng dẫn trí tưởng tượng của chúng ta, chúng ta sẽ giựt mình nhận ngay rằng sức mạnh kinh hồn của trí tưởng tượng linh hoạt trong mọi bình diện đời sống, những điều lớn lao nhất trong đời đều có sẵn trong chúng ta. Chính sức mạnh của trí tưởng tượng có khả năng vô biên sáng tạo ra những cái cụ thể mà chúng ta thường gọi là thực tại và thực tế. Tất cả những điều chúng ta tưởng tượng mỗi ngày chính là đièu xô đẩy mình (lúc chết) đầu thai vào những cõi tối tăm xấu ác bi thảm. Biết tưởng tượng ra điều cao đẹp thì được sống cõi cao đẹp.

Chuyển hóa tâm thức cũng là một cách tích cực xoay chuyển trí tưởng tượng mìn vào trên đỉnh núi, mở rộng tầm nhìn của mình vọng thẳng lên bầu trời bao la mênh mông, quán tưởng, và quán tượng vô số chư Phật và chư Đại Bồ Tát đang vân tập như mây ngũ sắc đầy trời. Tất cả đều có sẵn trong tâm thức của chúng ta, chỉ khi nào tâm được trống trải, trống rỗng, sáng ngời, sáng rực thực sự, lúc ấy niềm cực lạc xuất hiện trọn vẹn đồng lúc với sự thông đạt vô ngại của Không Tính.

Phải làm gì để đạt tới được sự xoay chuyển trọn vẹn của tâm thức quay trở về lại Phật Tính?

Bước đầu tiên là phải qui y Tam Bảo. Khi đã qui y Tam Bảo thì không bao giờ trở lại qui y thế gian và qui y thế tục, không bao giờ có thể qui y tà ma hay quỉ thần ngoại đạo, dù có phải chịu tử hình hay bị phá hủy thân mạng cũng dứt khoát không bao giờ từ bỏ Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), nhất cử nhất động, mỗi một cử chỉ và mỗi một hơi thở đều xoay hướng tạ ơn, ngưỡng mộ, và tôn kính Phật, Pháp, Tăng. Một lúc nào đó, hơi thở sẽ trở nên thơm ngát như bông sen.

TAM BẢO CHÍNH LÀ TÂM THỨC CỦA CHÚNG TA

Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta:

Mỗi lúc tâm thức mình bất ngờ được chuyển hóa toàn diện, được lọc sạch trong sáng rực ngời, lúc ấy Phật, Pháp và Tăng không còn là cái gì ở bên ngoài mình, không còn cách biệt với mình: Tam Bảo trở thành bản thân và bản thức của chính mình. Qui y Tam Bảo, tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính Phật, Pháp và Tăng: đó là tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính "bản lai diện mục" của mình. Mình thờ phụng, quì lạy liên tục, cúng dường, sám hối, thỉnh cầu sự hiện diện thường xuyên của tất cả những gì cao quí nhất.

Đời người chỉ có ý nghĩa thực sự mỗi khi mình được thường trực sống thở ngay vào bên trong lòng bông sen thơm trắng, lúc thành Phật thì chính mình sẽ ngồi trên cái bông sen tinh khiết ấy. Phật tử đúng nghĩa phải là người qui y Tam Bảo và không bao giờ qui y tám pháp của thế gian, Phật tử đúng nghĩa xa lìa dứt khoát tám điều dao động bản thân một cách dữ dội nhất, gọi là tám cơn gíó chướng:

1) Vui sướng khi được khen ngợi ca tụng.

2) Đau đớn khi bị mắng chửi.

3) Vui sướng khi được lợi lộc tài sản.

4) Đau khổ khi mất lợi lộc tài sản.

5) Vui sướng khi được nổi tiếng, khi được thành công.

6) Đau khổ vì bị thất bại hay vô danh.

7) Vui sướng khi được tiện nghi thoải mái.

8) Đau đớn khi bị mất tiện nghi.

Nói gọn lại: danh thơm, tiếng xấu, được mất, khen, chê, sướng, khổ. Dù tu hành trọn đời cho đến 95 tuổi, lúc chết lại bất ngờ bị một trong tám cơn gió chướng này thổi đến làm dao động tâm thức, lúc ấy, vừa chết liền đọa ngay địa ngục, vì đã đánh mất Bồ Đề Tâm.

Do đó, điều quan trọng vô cùng, mỗi khi vừa qui Tam Bảo, phải dứt khoát vững vàng, kiên định, bất lay chuyển trước tám ngọn gió đời và phát nguyện thể hiện Bồ Đề Tâm.

KHÔNG CÓ BỒ ĐỀ TÂM THÌ CHẲNG CÓ PHẬT, PHÁP VÀ TĂNG

Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và Tăng:

Nhà đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã dịch "Bồ Đề Tâm" là "lòng Bồ Đề", chữ "lòng" đã nói lên tất cả dị biệt siêu việt của tiếng nói quê hương. Đạo Phật không xuất thế và cũng không nhập thế: đạo Phật vẫn liên tục chuyển thế trong từng giây phút trôi qua trên mặt đất và trong cả toàn thể vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà bao la.

Bồ Đề Tâm là gì? Lòng Bồ Đề là tấm lòng sắt son quyết kiệt chứng nhập Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích mênh mọng sâu rộng cho tất cả chúng sinh. Bồ Đề là bỏ mình cho người khác.

Bỏ mình cho tất cả mọi kẻ khác và cho tất cả sinh vật khác một cách sáng suốt, trong sạch, trống trải, rực ngời, khỏe mạnh. Điều này không phải chỉ nằm trong ý nguyện hay đại nguyện thôi mà lại được thực hiện trọn vẹn ngay trong từng bước chân của bực Bồ Tát trên con đường thu nhiếp lại cứu cánh tối hậu: mỗi bước chân đã là lộ trình trọn vẹn, chỗ đi tới đã lập tức được thực hiện trong từng bước chân, vì chứng nhập rằng không có đến và không có đi, mà Bồ Tát Hạnh có nghĩa là vẫn đi hoài, vì lợi ích sâu rộng cho chúng sinh.

Khi nào còn Bồ Đề Tâm thì còn Bồ Tát và còn Phật, Pháp và Tăng. Tam Bảo sẽ bị tiêu diệt trên mặt đất này nếu tất cả mọi người đều quên mất Bồ Đề Tâm. Lúc sáu bảy tỉ người đều quên mất Bồ Đề Tâm, lúc ấy chỉ còn một người duy nhất thể hiện chứng nhập Bồ Đề Tâm thì Phật, Pháp và Tăng vẫn còn xuất hiện để cứu thoát nhân loại. Bồ Đề Tâm hay lòng Bồ Đề là lòng phát hiện Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích phi thường cho tất cả sinh vật của tất cả vũ trụ. Theo nghĩa bình thường, Bồ Đề Tâm được thể hiện nơi lòng từ bi sâu rộng bao la. Theo nghĩa phi thưòng, Bồ Đề Tâm được thực hiện qua sự chứng nhập Không Tính: tất cả đều không có tự tính, tất cả đều trống trải, rực sáng, vô ngại, cực lạc.

TỪ BI LÀ TRÍ HUỆ

Từ Bi là Trí Huệ:

Mỗi bưóc chân khởi đầu đã là chỗ đi tới rồi: Bất Nhị luôn luôn là "lý nhất quán" của Phật Pháp. Bất Nhị là vô tự tính, nghĩa là Không Tính, và Không Tính đã được lưu động trong chân lý bình thường là Duyên Khởi. Về mặt Duyên Khởi là Từ Bi, về mặt Không Tính là Trí Huệ. Từ Bi Siêu Việt (Đại Từ Bi) và Trí Huệ Siêu Việt (Đại Bát Nhã, Đại Trí Huệ) đã được thu nhiếp trong lực tự chân ngôn thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát: "Om Mani Padmé Hum". Mỗi khi tụng lên thần chú Om Mani Padmé Hum thì Quán Thế Âm Bồ Tát xuất hiện ngay lập tức. Có người không thấy gì hết, điều này cũng tốt: chỉ cần nói thầm Om Mani Padmé Hum một lần thôi, dù mình không thấy gì hết, nhưng thực sự trong cõi cực kỳ vi tế của tâm thức của chính mình đã xuất hiện hạt giống tốt đẹp cho cả rừng cây dược thụ tương lai.

Khi đứng ở bình diện phi thường, sáu vần của câu thần chú Om Mani Padmé Hum không phải nói về Quán Thế Âm Bồ Tát mà lại chính là Quán Thế Âm Bồ Tát: Quán Thế Âm không khác biệt với sáu âm thanh Om Mani Padmé Hum, và Om Mani Padmé Hum không khác với Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát tức là Om Mani Padmé Hum, và Om Mani Padmé Hum tức là Quán Thế Âm Bồ Tát.

Lòng Từ chỉ là lòng Từ vì đã có lòng Bi, và vì có lòng Từ Bi mới có được Trí Huệ: có từ thì có bi, có bi thì có trí, có trí thì có huệ. Thực ra tất cả đều xảy ra nhất loạt, tất cả đều được xuất hiện và thực hiện đồng lúc ngay lập tức. Lòng Đại Bi là phương tiện thiện xảo, giống như con trai. Lòng Đại Bi nhập một với Trí Huệ mà Trí Huệ (Không Tính) thì giống như con gái. Đại lạc xuất hiện trong tính nhập giữa Từ Bi và Trí Huệ, cái chùy kim cương (Từ Bi) và cái chuông (Trí Huệ); cái chùy kim cương được thu lấy trong bàn tay phải và cái chuông được giữ yên ở bàn tay trái của Đức Phật Kim Cương Tát Trụy (Vajrasattva) trong Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng.

Chuyển qua một bình diện khác, qua một luồng sánh sáng khác trong sáng hiền hậu hơn nữa: cha mẹ của mình ôm nhau khăng khít mặn nồng trong cơn hoan lạc vô biên (đại lạc), nhờ thế mình mới được đầu thai ra đời. Tây Tạng gọi là yab-yum (cha mẹ) trong sự thể hiện Phật Pháp một cách cụ thể siêu việt sự hòa nhập giữa cha (yab) và mẹ (yum) là chứng nhập Giác Ngộ (Đại Lạc) giữa lòng kết hợp; hội nhập trọn vẹn từ thể xác đến tinh thần giữa cha là phương tiện thiện xảo (lòng từ bi) và mẹ là Không Tính (trí huệ). Cha bên phải (chùy kim cương bên phải bàn tay mặt của Đức Phật Kim Cương Tát Trụy) và mẹ bên trái (cái chuông bên trái của ngài Kim Cương Tát Trụy). Cha là Cực lạc và mẹ là Không Tính; cha là tha lợi (vì lợi ích cho kẻ khác) và mẹ là tự lợi (vì lợi ích cho chính mình); cha là tha lực (Tịnh Độ Tông) và mẹ là tự lực (Thiên Tông); cha là sắc thân (rupakaya) và mẹ là pháp thân (dharmakaya). Đó là ý nghĩa phi thường siêu việt về những ảnh tượng Phật Cha và Phật Mẹ ôm nhau giao hợp mà chúng ta thưòng được nhìn thấy trong Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng. Có nhiều người đã hiểu sai lạc về những ảnh tượng siêu việt ấy, thực ra chỉ có Phật Giáo Tây Tạng là một truyền thống Phật Pháp duy nhất hiện nay còn giữ lại tất cả tinh túy nguyên vẹn trong sạch nhất của Phật Giáo Ấn Độ, sau khi Phật Giáo Ấn Độ đã bị tiêu diệt trọn vẹn vào thế kỷ thứ mười ba, do những thế lực tàn ác dã man của ngoại đạo ngoại bang.

Tất cả tinh ba tinh túy của Phật Giáo Đại Thừa Ấn Độ và Phật Giáo Kim Cương Thừa Tây Tạng được thu gọn lại trong sáu âm thanh linh thiêng của lục tự đại chân ngôn, lục tự đại thần chú Om Mani Padmé Hum (Án Ma Ni Bát Di Hồng). Sáu âm thanh linh hiện này đóng khép lại sáu cửa luân hồi: người đọc tụng thần chú này thì nhất định sẽ không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, người, a tu la, chư thiên. Thế là thoát vượt ra cõi luân hồi.

Om tức A,U, M, nghĩa là thân khẩu, ý của chư Phật.

Mani là ngọc như ý (tức là cha, nghĩa là phương tiện thiện xảo, chính là lòng Đại Bi).

Padmé là hoa sen, (tức là mẹ, nghĩa là Không tính, chính là Trí Huệ).

Hum là chủng tự bí mật nói lên sự Hòa Nhập, tính cách Bất Nhị bất động giữa lòng Đại Bi và Đại Trí Huệ.

Có nhiều vị thánh tăng Phật Giáo ở Hy Mã Lạp Sơn đã trì tụng đại thần chú Om Mani Padmé Hum đến cả năm triệu lần hoặc nhiều hơn nữa. Đối với chúng ta, có lẽ chỉ đọc được khoảng 108 lần mỗi ngày và cũng đủ tự cho rằng mình khá tinh tấn?

PHƯƠNG PHÁP THỰC TIỄN GIẢN DỊ ĐỂ TU HÀNH PHẬT PHÁP

Phương thực tiễn giản dị để tu hành Phật Pháp:

Chúng ta khó theo được sức mạnh tinh tấn dị thường của những bậc thánh tăng như Milarepa và Shabkar. Ngay đến thế kỷ 20 này, vị thánh tăng Tây Tạng Deshung Rinpoche (1906-1987) mới vừa mất cách đây mười năm, mỗi ngày, ngài thức dậy lúc 2 giờ sáng và thực hành đủ mọi pháp môn quán tưởng thiền định mật tông (từ pháp môn quán tưởng Hevajra, Vajrayogini cho đến Manjushri và Tara), rồi đến chiều thì quán tưởng thiền mật về pháp môn Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi qui y Tam Bảo đến 108 lần mỗi ngày (vừa đọc chú, vừa quán tưởng, vừa quì lạy), rồi sám hối theo pháp môn Kim Cương Tát Trụy, rồi cúng dường, v.v... Tối trước khi ngủ, ngài lại thực hành pháp môn du già lúc ngủ, rồi lại đọc tụng mỗi đêm về Bảy Điểm Chuyển Tâm của truyền thống tổ sư tông phái Kadampa mà người khai sáng là Tổ Sư Ấn Độ Atisa (A Tỳ Sa).

Đó là chưa kể đến việc trì chú thường xuyên của ngài, mỗi ngày Deshung Rinpiche (Deshung Đại Bảo) trì chú Om Mani Padmé Hum đến hai chục ngàn lần. Như thế, chỉ mười ngày thì đã đến 200,000 lần, một trăm ngày thì đã tới hai triệu lần, ngài sống đến 81 tuổi, như vậy, khó mà đếm được mấy trăm triệu lần ngài đã trì chú Om Mani Padmé Hum!

Phương pháp thực tiễn giản dị nhất để tập tu hành Phật Pháp là noi theo gương của ngài Desung Rinpoche; còn nếu theo ngài không được thì chúng ta cũng học được tính khiêm tốn, khiêm nhường và ý thức trọn vẹn rằng mình chỉ là một kẻ chưa hiểu biết gì về Phật Pháp cả. Nếu có học tu hành chút ít chỉ mong đọc Om Mani Padmé Hum cho đến một ngàn lần mỗi ngày, hoặc tệ nhất cũng 108 lần mỗi ngày.

Chúng ta cũng không nên quên rằng một người mới bắt đầu khởi sự tu hành Phật Giáo Tây Tạng, sơ khởi là phải quì lạy 500,000 lần (vừa đọc chú, vừa quán tưởng, vừa quì lạy): một trăm ngàn lần qui y Tam Bảo, một trăm ngàn lần lạy Phật Pháp Tăng, một trăm ngàn lần quán tưởng Kim Cương Tát Trụy và làm nghi thức sám hối với chú bách tự của Kim Cương Tát Trụy (Vajrasattva) phải trì tụng đến một trăm ngàn lần, rồi lại cúng dường mạn đà la cho Tam Bảo đến một trăm ngàn lần, rồi lại thực hiện quán tưởng du già bản sư (guru yoga) cho đến một trăm ngàn lần nữa. Rồi sau đó, tốt nhất là tự nhốt mình (nhập thất) để thiền định quán tưởng trong hang động đến 3 năm 3 tháng 3 ngày, hoặc sau đó lập lại 3 năm nữa, hoặc vài ba lần chu kỳ 3 năm ...

Khó tình làm được như vậy, nhưng cả ngàn năm nay, trên núi Hy Mã Lạp Sơn, có vô số tu sĩ, đạo sĩ đã thực hiện nhiều việc tu hành Phật Pháp còn khó khăn gấp vạn lần trên: thí dụ cụ thể là Milarepa và Shabkar mà chúng ta còn biết được qua những tài liệu dịch từ tiếng Tây Tạng trong mấy chục năm nay.

Bài học lớn nhất về Phật Pháp, phương pháp thực tiễn giản dị nhất để tu hành Phật Pháp là gì? Đó là pháp môn chuyển hóa tâm thức mà Tổ Sư Ấn Độ Atisa đã truyền qua Tây Tạng từ thế kỷ 11 và vẫn còn được tất cả chư tăng của tất cả tông phái mật tông Tây Tạng áp dụng hành trì hằng ngày hằng đêm cho đến ngày hôm nay.

Điều thực tiễn giản dị đầu tiên để tu hành Phật Pháp chính là lòng kiên nhẫn. Tổ Sư Thánh Tăng Ấn Độ Atisa đã dạy như vầy: "Sự kiên nhẫn cao lớn nhất chính là lòng khiêm tốn, khiêm nhường".

Một hôm tại Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ vào năm 1974, một bậc cao tăng vĩ đại thuộc tông phái dòng tổ Atisa, đức Đạt lai Lạt Ma (Daila Lama) đã từng nói như vầy:

"Chỉ cần biết một chữ của Phật Pháp thôi và đem chữ ấy vào việc thực hành tu chứng, điều này đem đến những kết quả tu hành sâu thẳm và đặc biệt, trái lại những kẻ nào có thể tụng thuộc lòng một trăm ngàn quyển kinh luận mà không thực hành tu chứng Phật Pháp thì chẳng chứng nghiệm lợi ích bao nhiêu cả".

Vậy, chúng ta chỉ cần kiên nhẫn khiêm tốn thực hành trì tụng câu thần chú Quán Thế Âm Om Mani Padmé Hum đến vài ngàn lần mỗi ngày, liên tục, đều đặn, và tất nhiên nhất định tâm thức của mình sẽ chuyển hóa toàn diện.

Phạm Công Thiện

---o0o---


Hiểu ý nghiã thơ

. phần 1.
Xem xét những bài khác của thi sĩ. Tìm kiếm,dò hỏi những đề tài và những chữ quen thuộc.
Đọc tiểu sử và ghi nhận cuộc sống của họ bởi thi phẩm của họ chính là cuộc đời của họ. Hầu hết
các thi sĩ đều thể hiện,xử dụng cuộc đời họ như một nguồn cảm hứng trong thi ca họ.
* Bước 2 :
Phân tách,chia nhỏ bài thơ thành từng phần nhỏ,soi rọi những điểm tương đồng và
dị biệt. Nghĩ va soi rọi khung cảnh,tình thế cũng như thái độ,ý nghĩa trong cách diễn đạt. tại sao tác giẳ đã viết như vậy. Hình ảnh và đề tài cũng cho ta ý nghiã nào đó trong bài thơ. Thường đó
là những hình ảnh đẹp,chuyên chở nhiều ý nghiã sâu sắc,và có tính chất cảm động.
* Bước 3:
Nghiên cứu ngôn ngữ và câu cú,vần điệu. Tìm kiếm,soi rọi những ẩn dụ sâu thẳm, những tượng hình kỳ lạ, cũng như cá tính trong từng ngôn từ ,hoặc hình ảnh. Ngôn ngữ và hình ảnh vẫn đưa ta
đến một nội tâm nào đó mà tác giả ám chỉ. Câu cú và nhạc điệu cũng gây cho ta những suy nghĩ cần thiết để hiểu rõ tác giả hơn.
* Bước 4 :
Giải thích ý nghĩa tùng hình ảnh. Kết nối chúng lại để có thể nhận được ý tưởng chính của thi sĩ.
Không ai có thể dấu được điều gì nếu bạn chịu khó phân tích và tổng hợp tất cả những gì bạn đã làm.Và bạn có thể nghĩ xa hơn thế nữa. Không có một bí mật hay ẩn dụ nào khó khăn. Bạn có thể phải vật,tra tìm và khám phá. No gain,no pain.
* Bước 5 :
Và giờ đây,bạn có thể liên hệ những ý nghiã trong từng hình ảnh,từng đoản khúc kể cả những ẩn dụ. Bạn có thể nhì toàn diện một bức tranh như bạn muốn. Đó là ý nghiã của bài thơ.
NT.

June 23, 2009

Ý nghĩ mỗi ngày.
Ý nghĩ tràn ra mỗi ngày. Nó nằm đó. Bất động. Ý tưởng hôm nay
hay ngày mai. Và bây giờ đây,ngay lúc này,nếu không viết ra,hay đúng
hơn ,không gõ trên ki-bo này để ghi lại ,nó cũng biến mất hay bay
đi như những cơn gió thoảng hay ngày tháng đã qua đi.
Hôm nay,tôi có ý nghĩ là sẽ hầu chuyện cùng những bậc tiền bối ,và mỗi
ngày sẽ thử làm một cuộc toại đàm hầu tạo một nhịp cầu thông cảm và
hiểu biết va xây dựng.
Sáng nay,đọc những ý tưởng của nhà cách mạng Nguyễn an Ninh viết
về người Việt như sau:

“Thực tế suy cho cùng, chính quyền có lý khi cấm người An Nam nói đến chính trị, bởi vì tại cái đất này không có chính trị. Ở đây chỉ có nhà cầm quyền làm vua mà thôi…”

“Ở xứ đó những thằng đại bợm ăn cắp được nhiều nhất là những thằng giỏi xoay xở và khôn khéo trong công việc nhà nước…”

“Hãy để cho người dân được sống yên trong cái xứ đó, cái xứ mà chỉ với một chút xíu khoa học họ đã trở thành nhà thông thái, với hai xu trong túi họ đã trở thành những nhà giàu. Họ cảm thấy thỏa mãn vừa lòng khi chui rúc trong một túp lều. Họ bị áp bức mà không khổ sở và nhất là - nhất là họ bị lừa gạt, bị hăm dọa đòi tiền, bị ăn cắp bóc lột mà vẫn không dè"
(Talawas 23/06/09).

June 19, 2009

Tô Thùy Yên

Chiều Trên Phá Tam Giang


Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.

Giờ này thương xá sắp đóng cửa.
Người lao công quét dọn hành lang.
Những tủ kính tối om.
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Để rồi tắt nghỉ sớm.
(Sài Gòn nới rộng giờ giới nghiêm.
Sài Gòn không còn buổi tối nữa.)
Giờ này có thể trời đang nắng.
Em rời thư viện đi rong chơi
Dưới đôi vòm cây ủ yên tỉnh
Viền dòng trời ngọc thạch len trôi.

Nghĩ tới ngày thi tương lai thúc hối,
Căn phòng cao ốc vàng võ ánh đèn,
Quyển sách mở sâu đêm.
Nghĩ tới người mẹ đăm chiêu, đứa em quái quỉ.
Nghĩ tới đủ thứ chuyện tầm thường
Mà cô gái nào cũng nghĩ tới.
Rồi nghĩ tới anh, nghĩ tới anh
Một cách tự nhiên và khốn khổ.
Giờ này có thể trời đang mưa.
Em đi nép hàng hiên sướt mướt,
Nhìn bong bóng nước chạy trên hè
Như những đóa hoa nở gấp rút.
Rồi có thể em vào một quán nước quen
Nơi chúng ta thường hẹn gặp,
Buông tâm trí bập bềnh trên những đợt lao xao
Giữa những đám ghế bàn quạnh quẽ.

Nghĩ tới anh, nghĩ tới anh,
Cơn nghĩ tới không sao cầm giữ nỗi
Như dòng lệ nào bất giác rơi tuôn.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Của chiến tranh mà em không biết rõ.
Nghĩ tới, nghĩ tới một điều hệ trọng vô cùng
Một điều em sợ phải nghĩ tới.
Giờ này thành phố chợt bùng lên.

Chiều trên phá Tam Giang
Anh sực nhớ em
Nhớ bất tận.

Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi
Rực chiếu bao nhiêu giấc mộng đua đòi
Như những mặt trời con thật dễ thương
Sẽ rơi rụng dọc đường lên dốc tuổi,
Mỗi sáng trưa chiều tối đêm khuya.
Anh yêu em, yêu nuối tuổi hai mươi,
Coi chuyện đó như lần đi tuyệt tích
Trong nước trời lãng đãng nghìn trùng,
Không nghe thấy cả tiếng mình độc thoại.
Anh yêu, yêu nuối tuổi hai mươi,
Thấy trong lòng đời nở thật lẻ loi
Một cành mai nhị độ.
Thấy tình yêu như vận hội tàn đời
Để xé mình khỏi ác mộng
Mà người đàn ông mê tưởng suốt thanh xuân.

Ôi tình yêu, bằng chứng huy hoàng của thất bại !
Tô thuỳ Yên 006/1972

Khởi hành 19/06

nguyễn an việt

Hôm nay tôi bắt đầu trang blog của tôi.
Cám ơn sự tiến bộ và kết nối của Google vì đã
cho tôi một phương tiện hữu ích để tôi có thể
hoàn thành những gì tôi mong ước.
Ý thức là khởi hành . Một con đường mới cho
tôi. Đây là con đường của bình an và vượt tháng.
Ý thức là sự vươn lên và trở thành....con người và
sự chiến thắng chính mình đối với bất kỳ định mệnh
khắc khe nào.
Nguyễn Du viết trong " Truyện Kiều" :
"Bắt phong trần phải phong trần "
và định mệnh đã khống chế ,đày đọa nàng Kiều như
ý tác giả. Ông Trời đã làm vậy.
Ý thức là tìm đến chân thiện mỹ,là tìm đền và đạt
được những giá trị vĩnh cửu cho con người.Con người
phải là con người. Và chúng ta có thể viết lại truyện
Kiều ,thay chữ phải bằng chữ cải ,chữ bỏ..v..v..
" Bắt phong trần cãi phong trần"
Và chỉ ý thức mới có khả năng chuyển biến con -
người và xã hội cũng như tất cả môi trường vây quanh.
Và khi ý thức khởi hành,con người thực sự trở thành
con người.
Khởi hành là ý thức vượt thắng.
Khởi hành là ý thức con ngưòi trong vũ trụ để hoàn
thành nhiệm vụ là người.
Nguyễn an việt.