September 30, 2009

Bản cáo trạng chế độ Công Sản

Alexandru alexe AP

Tổng thống Romania đã trình bày một bản báo cáo vào ngày thứ hai, tố cáo chế độ công sản cũ là “tội đồ, bất hợp pháp” và đã phạm tội ác chống nhân loại. Đây là một lời kết án chính thức đầu tiên như vậy tại quốc gia này.

September 29, 2009

Thực tế miền Nam "giải phóng" con người


Tô Hải

Đi Thăm...Giàu Hỏi... Sướng
Tớ lợi dụng một loạt entries sau đây để giải đáp một số câu hỏi đặt ra về những vấn đề so sánh văn nghệ giữa hai miền mà người đọc chưa rõ, về sự đánh giá chưa chính xác của tớ về sự khác biệt giữa hai miền trong lãnh vực âm nhạc, về cái "gu" thẩm mỹ "không thể thống nhất"....vv..vv.. Vì thế, nếu có dông dài...các friends chịu khó đọc nhé. Blog chứ có phải viết tiểu thuyết, hồi ký, hồi kiếc,...gì đâu!

Những ước mơ của ngưòi già

( đã ước mơ trong tiệc Vườn cây vào năm 1914 )

tôi ước mơ tôi đã yêu thương loài người
tôi ước mơ tôi yêu thương gương mặt buồn cười đó
tôi ước mơ tôi thích thú từ lâu cách họ đi đứng
tôi ước mơ tôi thích thú cách họ chuyện trò
và khi được giới thiệu cho tôi
tôi mơ ước tôi đã nghĩ đó niềm vui kỳ lạ cuộc đời
N.A.V

September 28, 2009

Viễn xứ và viễn ý

Tưởng Năng Tiến

Lấy cớ rằm tháng Tám – Tết Trung Thu – tôi hú cả đống bạn bè tới uống sương sương (vài chai) cho nó vui nhà, vui cửa. Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, và lại cạn mấy ly đầy, rồi đầy vài ly cạn nữa… thì cả đám (dù đã bước vào tuổi năm muơi) đều ngỡ như còn thơ.

September 26, 2009

Bonjour Việt nam - Thương chào việt nam

Nhạc Sĩ: Marc Lavoine
Trình bày: Phạm Quỳnh Anh



Ngoại Quốc
Quê Hương

Raconte moi ce nom étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née.
Raconte moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés,
Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses dire.

September 25, 2009

Trí thức xưa và nay

X-cafe.

Dân ta bây giờ ngu hơn, kém tự do hơn thời Pháp thuộc? [*]

Mẹ kiếp! Cái câu ấy là của mấy thằng bạn vàng em trong một hôm cà phê - cà pháo ở Cầu Giấy. Mẹ chúng nó chớ, ăn nói như sh1t, hỏi ai mà không tức?

Toà tha

Hoàng Đạo

Trên ghế bị cáo, hai người ngồi. Hai người đàn bà: một người Khách, một người Annam.

Một người sang trọng, áo cộc nhung, hoa tai Tàu, trâm lược rung rinh chiếu ánh vàng; một người cùng khổ, áo nâu bạc rách, vá, nét mặt nhăn nheo của hạng người cùng đinh không tuổi.

Ðấu tranh trực tuyến tại Trung Quốc

Guobin Yang - Nguyễn Ưóc dịch

“…công dân mạng sẽ không để cho mình bị lừa dối bởi bất cứ ai, vì “áp bức và dối trá chỉ làm mạnh thêm khát vọng đích thân trình bày của công dân mạng”. Những thay đổi trong quan điểm và động thái chính trị ấy... là những khía cạnh cốt yếu cho bất cứ tiến trình nào dẫn tới thay đổi…”

Sinh hoạt vận động trực tuyến (online activism) là một hình thức mới của tranh luận đại chúng tại Trung Quốc (TQ). Trong một số trường hợp, internet được sử dụng để huy động xuống đường phản đối. Thông thường hơn, phản đối diễn ra trực tuyến. Các hình thức phổ biến nhất gồm kiến nghị trực tuyến, điều khiển các trang web vận động mang tính chiến dịch, và những phản đối bằng ngôn từ trên một qui mô lớn. Tiến bộ và triệt để nhất có lẽ là đột nhập (hacking) các trang web. Có thể tìm thấy các hình thức tranh luận ấy trong các blog, các bảng thông báo (message boards) trên internet, các cộng đồng trực tuyến (online communities), các trang nhà theo kiểu YouTube hay theo từng chuỗi hồ sơ bằng văn bản, hình ảnh, audio hay video… được tung lên mạng (podcast).

Sinh hoạt vận động trực tuyến lần đầu tiên xuất hiện tại TQ vào cuối thập niên 1990. Qua nhiều năm, bất chấp việc chính phủ kiểm soát chặt chẽ internet, nó càng ngày càng trở thành thường xuyên hơn và gây được ảnh hưởng có sức thuyết phục hơn. Tại sao?

Bốn loại hoạt động

Thật hữu ích để bắt đầu bằng cách phân biệt bốn loại sinh hoạt vận động trực tuyến: văn hoá, xã hội, chính trị và dân tộc chủ nghĩa.

Sinh hoạt vận động văn hoá trình bày mối quan tâm tới các giá trị, đạo đức, các lối sống và các bản sắc (identities). Năm 2003, khi người dùng internet (hoặc công dân mạng – netizen) thảo luận về một blog khiêu khích trong đó một phụ nữ trẻ tự xưng mình là Muzimei (Mộc Lệ Mai) cho lên mạng những bài viết về đời sống tình dục của mình, họ đã dấn mình vào hoạt động tranh luận về văn hoá.

Sinh hoạt vận động xã hội đặt trọng tâm vào các vấn đề như băng hoại, môi trường xuống cấp, và quyền của những nhóm bị thiệt thòi. Năm 2003, một trong một số trường hợp gây được ảnh hưởng là vụ cái chết của một di dân tại thành phố Quảng Châu, kích động những phản ứng lan rộng trên không gian ảo, đưa tới kết quả hủy bỏ qui định lỗi thời về lối sống lang thang nơi đô thị. Năm 2007, có một trường hợp ảnh hưởng có sức thuyết phục. Ðó là trình bày vụ tội phạm bắt cóc các thiếu niên đem vào làm lao động nô lệ tại các lò gạch kỹ nghệ hoạt động bất hợp pháp trong tỉnh Sơn Ðông.

Dù sinh hoạt vận động văn hoá hay xã hội cũng có tính chính trị trong các mặt quan trọng của chúng, ở đây tôi đặc biệt chọn sinh hoạt vận động chính trị như một loại riêng biệt để nhấn mạnh bản chất đối kháng của nó. Sinh hoạt vận động chính trị trực tuyến đặt trọng tâm vào nhân quyền, cải cách chính trị và các chủ đề khác, đụng chạm trực tiếp tới cách TQ được cai trị như thế nào, bởi ai và trên cơ sở nào. Linh bát Hiến chương, một thỉnh nguyện thư trực tuyến mới đây, kêu gọi cải cách dân chủ, là một thí dụ hàng đầu cho sinh hoạt vận động thuộc loại đó.

Sau cùng, có dân tộc chủ nghĩa trực tuyến, nổi bật nhờ ưu điểm về tần số, qui mô và tác động. Phản đối mang tính dân tộc chủ nghĩa trong không gian ảo can dự tới động viên trực tuyến trên qui mô lớn và dùng các chiến thuật triệt để, thí dụ “chủ trương hoạt động đột nhập (hacktivism)”. Trong một số trường hợp, nó còn can dự tới xuống đường biểu tình.

Phát triển kỹ thuật và biến đổi xã hội kết hợp nhau, biến sinh hoạt vận động trực tuyến thành rộng rãi và nổi bật hơn. Trung Quốc tiếp nhận nối mạng internet đầu tiên năm 1994. Tới tháng 12 năm 2008, số người dùng internet lên tới 298 triệu, hoặc khoảng 2/3 dân số TQ. Công cuộc phát triển kinh tế TQ có mặt dưới bao gồm sự phân cực kinh tế xã hội, ô nhiễm môi sinh, tham nhũng, và theo với nó là những xâm phạm các quyền con người. Tất cả những cái đó cung cấp lời trách cứ, làm động cơ thúc đẩy những người sinh hoạt vận động trực tuyến và không trực tuyến (online and offline).

Ba điều kiện của hoạt động trực tuyến

Tuy thế, sinh hoạt vận động trực tuyến tại TQ cũng tùy thuộc vào vài điều kiện đặc biệt.

Ðiều kiện thứ nhất là sự hiện hữu một xã hội dân sự đầy lông đủ cánh của những nhóm dân sự gồm người dân thường, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và quan trọng hơn cả: các cộng đồng trực tuyến. Trong thập niên 1980, nở rộ các nhóm xã hội dân sự nhưng rồi chịu thoái bộ với việc trấn áp những cuộc phản đối của sinh viên năm 1989. Thế nhưng kể từ giữa thập niên 1990, chúng sống lại, lan rộng và đảm trách những đặc điểm mới, thí dụ sự tự trị tương đối về tài chánh và quản trị đối với các cơ quan nhà nước.

Con số các tổ chức dân sự đăng ký chính thức là 360.000 vào cuối năm 2006, với con số thật sự được ước lượng khoảng 3 triệu. Giống với các xứ sở khác, các nhóm xã hội dân sự TQ dùng internet để chia sẻ thông tin, giáo dục công chúng, tổ chức các sinh hoạt định kỳ và huy động thân hữu cùng kẻ đi theo mình. Một điều nghiên (survey) về 129 tổ chức thuộc loại đó do tôi tiến hành vào năm 2003, cho thấy trong đó có 106 (hoặc 82 phần trăm) nối kết mạng internet, và 60 (hay 65 phần trăm) có trang nhà riêng của mình. Hoạt động nối mạng của các nhóm đang gia tăng và chúng làm dễ dàng hơn các hoạt động của họ.

Các cộng đồng trực tuyến, một hình thức mới và quan trọng của liên kết dân sự, là nơi hiện hữu hành động ấy. Chúng gồm vô số loại với nhiều cái là những không gian rất có ảnh hưởng để vui chơi và xã hội hoá. Hình thức nặc danh có thể làm cho những tấn công bằng ngôn từ thiếu ý thức, vô nghĩa, lờ quờ hoặc khờ khạo ra dễ dàng hơn, nhưng đồng thời nó cũng cho phép công dân mạng đích thân trình bày một cách tự do hơn thông thường.

Tuy thế, các cộng đồng trực tuyến TQ có những hoạt động thay đổi khác nhau. Những tranh luận và phản đối trực tuyến về các chủ đề chính trị và xã hội phong phú. Bên cạnh các cộng đồng quan tâm tổng quát, có vô số cộng đồng trực tuyến quan tâm chuyên biệt, thí dụ các trang web do Công giáo và Tin Lành điều hành, các trang web tình dục đồng giới tính, các cộng đồng học thuật của các trí thức tân tả hoặc cấp tiến, các trang web dành cho những nỗ lực đa dạng công tác từ thiện và giảm nghèo. Cũng có nhiều trang nhà và blog dành để trình bày các tật bệnh xã hội và đấu tranh cho quyền của công dân, như quyền của người tiêu thụ, quyền của người lao động đáng được bảo vệ để không bị phân biệt tại nơi làm việc.

Lý do duy nhất khiến các hoạt động tranh luận tăng lên nhanh chóng trong các cộng đồng trực tuyến là vì sự tranh luận ấy tốt cho kinh doanh – sự bất đồng ý kiến nâng cao lợi nhuận, và cùng với nó, lưu thông trang web. Trong khuôn khổ giới hạn, các trang web khích lệ người dùng tham gia những tương tác có khả năng gây tranh cãi. Một số trang web cổ động và hướng dẫn, có tính sách lược, việc tranh luận, hầu tạo ra lưu thông. Ðằng sau sách lược mang tính kinh doanh nhằm cổ động sự tham gia của người sử dụng là lô-gic của sự sản xuất xã hội phi sở hữu trong kỹ nghệ internet hôm nay. Người tiêu thụ internet cũng là người sản xuất nội dung của internet. Khi cho đưa lên mạng các bảng thông điệp, blog viết, video hoặc phản đối trực tuyến, họ đóng góp trực tiếp vào kỹ nghệ internet.

Người dùng internet TQ là người sản xuất tích cực và sung mãn nội dung. Một điều nghiên toàn quốc vào tháng Giêng năm 2008 cho thấy có khoảng 66% trong 210 triệu người dùng internet từng tham gia đóng góp vào một hoặc nhiều trang web. Hơn 35% cho thấy trong sáu tháng vừa qua, họ hoặc đã đưa lên mạng hoặc đã trả lời các thông điệp trong những diễn đàn trực tuyến. Có khoảng 32% đã đưa các hình ảnh lên, trong khi đó 18% đưa lên phim, các chương trình truyền hình hoặc các tài liệu video.

Ðiều kiện quan trọng thứ ba là óc sáng tạo của công dân mạng TQ. Nói chung, công dân mạng cố gắng quanh quẩn bên trong các giới hạn của luật pháp và tự kiềm chế để không thách đố trực tiếp quyền lực của nhà nước. Là người quan sát thành thạo sinh hoạt chính trị TQ, họ hiểu rõ chủ đề nào được phép tự do bàn luận và lúc nào. Tới một mức độ nhất định, có 4 loại sinh hoạt vận động trực tuyến phản ánh những phản ứng có tính sách lược của công dân mạng đối với các cơ hội chính trị, để theo đuổi các chủ đề khác nhau. Nếu sự đa dạng về văn hoá, xã hội và chủ nghĩa dân tộc trong hoạt động trực tuyến rộng rãi hơn sinh hoạt vận động chính trị, phần nào là vì ba loại đầu ấy hưởng được sự hợp pháp chính trị hơn. Giống với phản đối trên đường phố, phản đối trên không gian ảo thách đố trực tiếp nhà nước, nên bị câu thúc hơn những phản đối có thể đặt cơ sở hoặc trên luật pháp hiện hành hoặc trên những yêu sách về công lý và đạo đức, không đụng chạm trực tiếp tới vấn đề thẩm quyền của nhà nước.

Dù thế, việc lọc các từ ngữ chủ yếu và chận trang web cùng các phương tiện khác dùng để theo dõi và kiểm soát những gì người dân làm trực tuyến, đặt ra các thách đố liên tục cho người hoạt động đấu tranh dùng internet làm cơ sở. Ðáp lại, công dân mạng TQ phát triển những phương pháp tài tình để đối phó với việc nhà nước kiểm soát internet. Một số người dùng nhiều blog hay dùng server hải ngoại để điều khiển trang nhà của mình. Một số khác dùng chatroom cho “những hội họp bí mật”. Nhiều người biết cách vận dụng tính linh hoạt của ngôn ngữ TQ để tạo ra những mẫu tự dễ dàng đánh bại các kỹ thuật lọc từ ngữ giỏi nhất. Hậu quả là khi việc kiểm soát chính trị internet trở nên phức tạp hơn thì các hình thức đối phó cũng phức tạp theo. Óc sáng tạo của công dân mạng TQ làm cho việc chính phủ kiểm soát internet chỉ đạt kết quả phần nào.

Sinh hoạt vận động trực tuyến có làm được gì không? Rõ ràng nó có những tác động làm thay đổi trong động thái của nhà nước, bằng việc xói mòn sự kiểm soát thông tin và tạo sức ép xã hội để có sự trong sáng hơn trong việc cai trị. Như một nguồn mới mẻ ý kiến của quần chúng và vận động công dân, nó thường dẫn đến các thay đổi mang tính chính sách. Có lẽ quan trọng hơn nữa, có những người hoạt động trực tuyến liên quan trực tiếp tới những thay đổi trong quan điểm và động thái của công dân đối với quyền lực. Ngày 13 Tháng Giêng năm 2008, tạp chí Nam phương Ðô thị báo (Southern Metropolis News) cho đăng câu chuyện có nhan đề “Chớ nghĩ tới chuyện đánh lừa công dân mạng”. Ðề cập tới nhiều trường hợp trong sinh hoạt vận động trực tuyến năm 2007, câu chuyện ấy lập luận rằng trong thời đại internet, công dân mạng sẽ không để cho mình bị lừa dối bởi bất cứ ai, vì “áp bức và dối trá chỉ làm mạnh thêm khát vọng đích thân trình bày của công dân mạng”.[9] Những thay đổi trong quan điểm và động thái chính trị ấy không đủ cho sự dân chủ hoá nhưng đồng thời, chúng là những khía cạnh cốt yếu cho bất cứ tiến trình nào dẫn tới sự việc đó.

Andrew G. Walder
Nguồn: Guobin Yang, “Online Activism”, đăng trong Journal of Democracy, số Tháng Bảy 2009, Volume 20, Number 3. Nxb The Johns Hopkins University Press, Journals Division, Washingon DC, Hoa Kỳ, tt.33-36.
Nguyễn Ước dịch.
Guobin Yang (Dương Quốc Bân) là phó Giáo sư trong Phân khoa Văn hoá Trung Ðông và Á châu tại trường Barnard College thuộc Ðại học Columbia, Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn sách nổi tiếng The Power of the Internet in China: Citizen Activism Online (Sức mạnh của Internet tại Trung Quốc: Sinh hoạt vận động trực tuyến của công dân). Nxb Columbia University, 2009. Sau bài này, chúng tôi sẽ phổ biến bản dịch một bài điểm cuốn ấy.(N.Ư.)

September 23, 2009

Đổi Mới: Perestroika kiểu Việt

Doris K. Gamino - Ngô Hải dịch

Lời giới thiệu: Bài tiểu luận “Đổi mới: Perestroika kiểu Việt Nam” của Doris K. Gamino được đăng trên phụ san “Aus Politik und Zeitgeschichte” (Từ Chính trị và Lịch sử đương đại) số 27/2008 với chuyên đề về Việt Nam của tuần báo Das Parlament trực thuộc Trung tâm Liên bang về Giáo dục chính trị (bpb) của Đức. Là một cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, bpb có nhiệm vụ giáo dục, thúc đẩy ý thức dân chủ và sự hiểu biết về những vấn đề liên quan tới chính trị cho người dân Đức.
_____________________________________________________

Cùng một cảnh tượng cứ diễn ra bốn lần trong tuần: Một dòng người dài đứng xếp hàng vào buổi sáng sớm trên một đoạn đường được bố trí chi tiết cạnh Quảng trường Ba Đình, nơi vị Khai quốc và Lãnh tụ Cách mạng Hồ Chí Minh từng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam vào ngày 2/9/1945. Hàng trăm du khách từ khắp nơi trên thế giới kiên nhẫn chờ đợi cửa Lăng mở vào đúng 7 giờ 30 để có được một cơ hội ngắn chiêm ngưỡng xác ướp vị Lãnh tụ Cách mạng và Cha già Dân tộc Việt Nam. Dưới những ánh mắt cảnh giác của đội vệ binh danh dự xã hội chủ nghĩa, khách thăm Lăng được dẫn theo hàng đơn đi dọc Lăng bằng cẩm thạch được xây dựng theo phong cách kinh điển xã hội chủ nghĩa. Ai đi chệch khỏi hàng, dừng lại hoặc to tiếng, lập tức được một trong những người mặc quân phục nhắc nhở.

Điều hòa được bật thường xuyên nhưng vẫn có mùi ẩm thấp. Vừa tiến vào khu trung tâm lộ vẻ được dùng cho việc tế lễ, nơi đặt thi hài Hồ Chí Minh màu sáp ngà dưới những tia đèn trong một quan tài kính, ta đã cảm thấy một sự cắn rứt lương tâm kì lạ. Như thể ta muốn ngay lập tức xin lỗi Hồ Chí Minh cho hành động khiếm nhã không thể lượng thứ này, dù gì thì khi còn sống ông đã ngăn cấm dứt khoát việc phô trương thi hài ông và thay vào đó là nguyện vọng muốn được hỏa táng một cách giản dị. Nhưng tôn trọng ý nguyện của người đã khuất không có chỗ trong trường hợp mang tính gánh vác quốc gia này, bởi chưa bao giờ Đảng lại cần đến ông như trong thời buổi hiện nay. Đối mặt với sự hiện diện ngày càng gia tăng của những cám dỗ kiểu phương Tây và những khao khát dân chủ hóa “đồi trụy” trong nước, người ta hẳn phải cố bảo quản một cái xác để nhờ phép lạ mà bảo tồn và nhắc nhở dân chúng học tập những giá trị của một con người đã khắc họa cuộc đời mình bằng lao động nặng nhọc, lối sống giản dị và tinh thần phục vụ nhân dân, những giá trị có vẻ đã trở thành lỗi thời trước tình trạng tham nhũng gia tăng quá mức và trước sự phú quý ô trọc đã phần nào thành hình trong chính hàng ngũ của Đảng.

Trong bài diễn văn nhận giải Nobel Văn học năm 1999, Günter Grass phát biểu: “Chúng ta kinh hoàng nhận thấy rằng kể từ khi người anh em của nó là chủ nghĩa xã hội bị chính thức khai tử thì chủ nghĩa tư bản bị chứng vĩ cuồng thúc đẩy và bắt đầu hoành hành vô độ”. Liệu các quan chức đảng viên ở Việt Nam có biết tới bài diễn văn của Günter Grass? Dường như họ cũng chia sẻ những lo ngại của ông và cố bám víu ngày càng chặt vào chế độ và – theo phương châm “người chết bất tử hơn người sống” – vào “Bác Hồ”, như người Hà Nội gọi Hồ Chí Minh một cách trìu mến. Búa và liềm hiện lên huy hoàng trên lối vào Phủ Chủ tịch chỉ cách Lăng vài trăm mét. Nhưng vừa mới ngoảnh đầu, bỏ lại đằng sau Lăng và Phủ Chủ tịch, chỉ liếc nhìn qua ta có thể nhận thấy rõ rằng từ lâu những biểu tượng của chế độ xã hội chủ nghĩa đã được thay thế bởi những vật thờ khác. Những thánh tích mới của tầng lớp tân trung lưu có tên là Honda, Nike và Nokia. Cho những người mới phất thì có Cartier, Armani và Mercedes. Cửa hàng, quán xá và những sạp hàng san sát bên nhau tại khu buôn bán nội thành, ai cũng bày ra bán những thứ mình có. Lượng mặt hàng tràn ngập, cả thành phố sôi sục, hàng ngàn tiệm cây cảnh bonsai cùng phát đạt: những quán ăn vỉa hè, quán trà lưu động, cửa hàng may đo, chè xanh điếu cày, vải vóc quần áo, sửa chữa-đại tu ô tô-xe máy, những cửa hàng bán đồ phục vụ tế lễ, tuyên truyền, dụng cụ lao động, vôi ve và màu sắc chen vai thích cánh cùng những Internet-Café, cửa hàng lụa, đồ trang sức và những nhà hàng sang trọng với những Cocktailbar dành cho khẩu vị phương Tây.

Những dòng du khách kéo nhau đi đông như những đội quân qua các ngõ ngách phố cổ. Mặc dù những toán lính Pháp cuối cùng rời khỏi đất nước này mới cách đây 40 năm và cuộc chiến chống Mỹ, ở những nơi khác còn được gọi là Chiến tranh Việt Nam, mới trôi qua chưa đầy 35 năm, người ta không cảm thấy chút gì của thái độ chống Mỹ cũng như mối hận thù chống lại những người chủ thuộc địa Pháp cũ. Người Hà Nội đặc biệt thân thiện và khoan dung. Và họ sống thực dụng. Việc mọi du khách đều được tiếp đãi ân cần như nhau có thể là do hơn ba phần năm người Việt sinh ra sau năm 1975. Thế hệ này chỉ biết “B 52″ là một loại Cocktail chứ không phải một loại máy bay ném bom rải thảm của Mỹ, một trong những phương tiện mà Mỹ đã sử dụng trong Cuộc chiến Việt Nam, giết hàng triệu người Việt và bắn phá tan tành xứ sở này.

Trong tổng số 3,5 triệu dân Hà Nội thì 90 ngàn người sống chen chúc trên vỏn vẹn 3 cây số vuông thuộc khu phố cổ nằm giữa Hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng và khu phố Pháp trước kia ở phía nam. Thực ra không ai biết chính xác có bao nhiêu người sống ở đây. Dường như cái mê cung tuyệt không lối thoát này với những con phố nhỏ, đường đi, ngách phố và ngõ hẻm cũng như những căn nhà với chiều ngang chỉ vừa một chiếc khăn tắm có thể hấp thu dễ dàng bất kì một lượng người nào. Khu phố cổ là một địa điểm kỳ diệu, ầm ĩ, bận rộn, huyên náo tới mức inh tai và không hề nghỉ. Một ngàn năm trước, khu vực này được xây dựng để trở thành trung tâm tiếp tế cho cung vua, được chia thành 36 khu phố nghề, tên phố (Hàng) đặt theo sản phẩm được buôn bán tại đây. Mỗi phường hội do một dòng họ cầm đầu và ngày nay ta còn thấy những sản phẩm tre nứa tại phố Hàng Tre, những cửa hàng kinh doanh lụa và hàng may mặc tại phố Hàng Bông, thậm chí việc kinh doanh tại một số khu phố vẫn được xúc tiến bởi những người cùng thuộc những dòng họ cũ. Nhưng dần dần các tiệm điện thoại di động, hàng điện tử và Internet-Café cũng đã len vào đây; tên phố nào dành cho loại hàng nào không còn bị chú ý nghiêm ngặt. Vào những buổi tối cuối tuần, hàng ngàn chiếc xe gắn máy, xe taxi, xe buýt và người đi lượn phố chen đầy những ngõ hẹp, len giữa là đội quân những chị em bán trái cây, nón đội trên đầu, gánh hàng nặng trĩu trên vai, kĩu kịt đong đưa qua đám đông người như những nghệ sĩ đu dây. Góc đường nào cũng thấy xào nấu. Mùi bia, dầu diesel, cá khô và hoa huệ bốc lên nức mũi. Khói nhiên liệu cướp đi không khí thở, tiếng bóp còi triền miên làm inh tai, váng óc. Trên đầu, những đoạn cáp điện thoại và dây điện to bằng bắp tay quấn chằng chịt như những chiếc vòi bạch tuộc đung đưa đầy đe dọa. Càng nhiều những tiếng vo vo, rì rì, rầm rầm, ầm ầm và những cuộn khói bốc lên thì dường như người Hà Nội càng hạnh phúc, vì đó chỉ có thể là những âm thanh và hương vị của sự phát triển.

Quá trình cải tổ với tên gọi “Đổi mới” được thúc đẩy bởi Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã thực hiện việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, hành chính-bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Quyết định cải tổ này được ĐCSVN thông qua vào năm 1986, và việc vô hiệu hóa Luật cấm tư hữu phương tiện sản xuất, một trong những rường cột chính của chủ nghĩa xã hội kinh điển, được nhìn nhận như sự loại bỏ chính sách hệ trọng nhất. Đổi mới bao gồm những cải cách sâu rộng trong nền kinh tế quốc dân và cả việc mở cửa nền kinh tế trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt những tổ chức kinh doanh gia đình và những doanh nghiệp công nghiệp nhỏ đã dần phát triển, trở thành những trụ cột chính của nền kinh tế. Kể từ khi các nghị quyết cải tổ khét tiếng của ĐCSVN được thông qua, hai thái cực thế giới quan đối lập một thời – chủ nghĩa tư bản đối lập với chủ nghĩa xã hội – được thi hành song song bằng cú “dạng chân giữa hai bờ ý thức hệ” ác liệt nhất của thời đại chúng ta.

Đầu năm 1972, khi Günter Grass đúc kết suy nghĩ của mình qua ẩn dụ “Tiến bộ là một con ốc sên”, thì Hồ Chí Minh mới qua đời được ba năm và Việt Nam khi đó, đặc biệt là miền Bắc, là một đất nước bị tàn phá với 20 triệu hố bom và hàng triệu lít chất độc da cam chứa dioxin. Ngày nay, nếu nhà văn Grass tới Hà Nội, chắc ông phải cân nhắc lại lời nói xưa. Ngày nay, những nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới kéo đến xếp hàng dài trước cổng Hà Nội và Sài Gòn, thành phố chính thức được đổi tên thành Hồ Chí Minh-City (HCMC) kể từ năm 1975. Các nhà đầu tư quốc tế cạnh tranh bằng túi tiền đầy để có được những dự án. Ai cũng muốn lọt được một chân vào cửa cái đất nước lưỡng tính vừa xã hội chủ nghĩa vừa tư bản chủ nghĩa này. Đất nước nhỏ bé với những tiềm năng lớn được coi là “con hổ nhỏ đang trên đà nhảy” và hứa hẹn lợi nhuận lớn cho nhiều người. Đất nước ổn định, người dân trẻ trung với những động lực cao: Đó là giấc mơ của mỗi nhà đầu tư.

Ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài muốn phân phối và phát triển doanh nghiệp của mình tại Việt Nam, ví dụ, Intel hiện tại dự định thành lập hai cơ sở sản xuất tại đây, Siemens sẽ xây dựng một tuyến tàu điện ngầm ở Sài Gòn. Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển hoạt động xuống Việt Nam, bởi lương nhân công ở đây thấp hơn 20% so với ở nước họ. Mùa Thu năm ngoái, tập đoàn Metro của Đức khánh thành một chi nhánh đại lý tại vùng ven đô thuộc Hà Nội; vừa mới mở cửa trong chốc lát, khách hàng đã phải mất hơn 30 phút xếp hàng tại hơn 15 quầy thanh toán tiền đông nghịt. Theo gót Metro, đầu năm nay chuỗi siêu thị chuyên kinh doanh hàng điện tử Media-Markt đã mở một đại lý ngay tại trung tâm Hà Nội. Sắp tới Porsche cũng sẽ mở một chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay tại thời điểm này, mật độ xe Mercedes đã ở mức đáng kể và sự sụp đổ của giao thông là đã được báo trước trong một đô thị mà đường sá thậm chí còn quá hẹp ngay cả cho xe cút kít. Khoảng 22 triệu xe gắn máy và 2 triệu xe hơi đang lưu thông tại Việt Nam, mỗi tháng có thêm khoảng 200 ngàn xe gắn máy và 15 ngàn xe hơi. Giao thông ở đây hết sức khủng khiếp, Việt Nam không có một cơ sở hạ tầng tương ứng cho một lượng xe lớn như vậy. Tình trạng đường sá thuộc vào dạng tồi tệ, hệ thống cứu trợ nạn nhân tai nạn giao thông yếu kém, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi người bị nạn đôi khi vẫn phải đợi vài ngày mới có được bác sĩ chăm sóc. Tỷ lệ tử vong trong tai nạn giao thông nằm ở một mức rất cao nếu so sánh với tỷ lệ tại châu Âu. Việc thi hành nghiêm ngặt luật bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy được ban hành vào ngày 27/12/2007 là một bước đầu của Chính phủ nhằm giải quyết và đối phó với những hiện tượng giao thông mới phát sinh. Vào năm 1998 mới chỉ có khoảng 50 ô tô tư nhân trên đường phố Hà Nội, không đầy mười năm sau Chính phủ đã phải cố gắng kiềm chế sự hỗn loạn và hạn chế phần nào sự tràn ngập của xe cộ qua việc tăng mạnh thuế nhập khẩu những xe hơi sang trọng.

Nhưng người Hà Nội nói, rằng ở Sài Gòn – tên mà nhiều người vẫn thường gọi – mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều. Tình trạng thù địch giữa hai thái cực về mặt địa lý và tư tưởng của đất nước này, giữa Hà Nội cộng sản và Sài Gòn chống cộng cho tới năm 1975, còn dai dẳng hơn so với sự thù địch đối với Hoa Kỳ. Dân miền Nam không bao giờ tha thứ cho chính quyền Hà Nội về cuộc chiếm đoạt và việc ĐCSVN cưỡng ép những quan chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ vào trại cải tạo trong quá trình thống nhất đất nước. Dân miền Nam nói về người Hà Nội bằng những khái niệm như “đầu óc bê-tông cộng sản”, “nhà quê tỉnh lẻ” hoặc “nông dân”. Ngược lại người Hà Nội chê người Sài Gòn về tính hời hợt và thói ăn chơi. Sài Gòn vẫn luôn xứng với danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông”, ở đó ánh đèn dường như không bao giờ tắt, mọi thứ đều rực rỡ hơn, nhanh lẹ hơn, mới mẻ hơn và bảnh bao hơn. Phong cách hành động của Sài Gòn so với Hà Nội được so sánh như là phong cách cư xử của một cô con gái cứng đầu đương ở tuổi dậy thì đối với người cha ngoan cố và cổ lỗ sĩ vẫn đang cố gắng bằng mọi cách làm chủ tình hình. Thủ phủ của phương Nam giữ vai trò chỉ đạo cho những xu hướng mới của thời đại, là nơi đóng đô của giới ưu tú và của tiền bạc. Sài Gòn là chủ lực thúc đẩy cho tiến trình Đổi mới và những cải cách trong đó. Để ít nhất không bị mất mặt, ở Hà Nội, người ta cố gắng ban hành những điều luật và đưa ra những chính sách theo sau, nhằm đặc xá cho sự phát triển nhanh chóng này.

Thực ra Hà Nội không có dáng vẻ gì của một đô thị lớn; nó như là một cái làng to, bận rộn, đôi khi bình lặng như ở chốn nhà quê, đôi khi lịch lãm và hiện đại, nhưng chính vì thế mà nó phần nào mang dáng vẻ của một thôn nữ mà trên người thì trang điểm cầu kỳ nhưng dưới chân lại quên không thay dép lê bằng giày cao gót. Phần lớn các hàng quán đóng cửa vào lúc 22 giờ và cả thành phố chìm trong giấc ngủ cho đến sáng hôm sau. Những đại lộ rộng bỗng thành hoang vắng, vài bóng người lướt trong màn đêm với những sọt hàng chở đầy xu hào và dưa chuột trên những tuyến đường chính gần kề trung tâm thành phố: Chợ bán buôn diễn ra ngay tại ngã tư đường. Sáng sớm vào lúc 6 giờ, người già Hà Nội đứng dàn bên bờ Hồ Tây tập thể dục buổi sáng. Người ta thấy các bà cụ tập đánh gậy hoặc luyện Thái cực Quyền trong làn sương sớm phủ mặt hồ. Một người bán than đẩy lô hàng của mình trên hai chiếc xe đạp đi về hướng thành phố, để cuối ngày trở về nhà với lợi nhuận không quá 2 USD. Để có được thu nhập này, cả ngày anh đi từ nhà này sang nhà khác bán những viên than ép hình trụ cho những hộ gia đình ít được hưởng lợi từ sự phát triển.

Không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Khoảng cách xã hội giữa người giàu và người nghèo gia tăng trông thấy, và nhiều người vẫn sống tậm tạch, dù có Đổi mới và những đồng tiền mới. Những kẻ thắng cuộc của thời phát triển là những người trẻ tuổi, dân thành thị, được đào tạo tốt với tấm bằng kĩ sư trong tay, họ thường đổi chủ lao động nhiều lần trong năm, mỗi lần đều với những thu nhập cao hơn. Những kẻ thua cuộc của thời mở cửa thị trường là những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Mức tăng trưởng kinh tế 8,2% năm nay đang phải đương đầu với lạm phát phi nhanh. Giá cả tăng lên từng ngày, và như mọi khi lạm phát đánh vào tầng lớp dân nghèo, những người không những không có phần trong việc tham gia hưởng thụ sự phong phú hàng hóa, mà phải vật lộn với cuộc sống bằng đồng lương tối thiểu vào khoảng 50 USD mỗi tháng. Chính phủ đã có những nỗ lực lớn trong việc giảm tỷ lệ nghèo đói từ 60% vào năm 1990 xuống còn 20% vào năm 2006, nhưng sự trượt giá vào khoảng 25% và thậm chí còn cao hơn ở những mặt hàng như lương thực, thực phẩm và xăng dầu đã làm rách toạc những ví tiền khiêm tốn.

Những chính sách cải tổ chính trị sâu rộng vẫn chưa được đặt lên bàn nghị sự. Đảng Cộng sản vẫn ở thế bất khả xâm phạm. Dường như Đảng đang theo đuổi chiến lược “Niêu cơm và canh bạc“: Những ai đang kiếm chác tốt và có một cuộc sống sung túc thì sẽ không dễ dàng đặt câu hỏi về việc thay đổi chế độ. Những ai lên tiếng, chẳng hạn những blogger và nhà báo cấp tiến muốn vận động cho một tiến trình dân chủ hóa bước đầu, vẫn biến mất sau cánh cổng nhà tù. Vẫn có sự đàn áp khe khắt và thô bạo đối với những thiểu số sắc tộc và tôn giáo.

Thế giới phương Tây đang chiều nịnh đất nước cộng sản nhỏ bé này, đã đáp ứng nguyện vọng của Việt Nam muốn trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 và ngay sau đó bầu chọn Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Sớm hay muộn Việt Nam cũng phải xích lại gần các đối tác thương mại phương Tây về mặt tư tưởng và chính sách nội bộ, nếu nó không muốn bỏ lỡ cơ hội. Nhưng Việt Nam sẽ thực hiện tiến trình này bằng tốc độ riêng và với những điều kiện riêng của nó.

September 21, 2009

Hòn vọng phu


hoàng Oanh-hòn vọng phu 2
Bạn tạo ra chính đời sống bạn.
Sáng hôm nay trời sương mù và lạnh lạnh.
Tôi cảm nhận và thích thú cái se sẽ lạnh này
nhưng TV,tin buổi sáng cho biết thời tiết có
thể rất là nóng, đến 104 hay 105 độ F

September 18, 2009

Thắp tạ

Thùy Yên

Phần 1

Cent fois sur le métier, remettez votre ouvrage. (Boileau).
Một số bài trong tập thơ này có ít nhiều sửa đổi so với những lần đăng báo trước.
Tập thơ này do tác giả tự xuất bản, nhưng được đặt dưới danh hiệu An Tiêm, nhằm thể hiện một lời hứa tương tri đã lâu năm giữa tác giả và nhà xuất bản.
Trời còn để có hôm nay… (Nguyễn Du)


Thắp tạ càn khôn một vô ích,
Thắp tạ nhân quần một luyến thương.

Tặng phẩm

Thức cho xong bài thơ.
Mai sớm ra đi,
Cài hờ lên cửa tặng.

Đi xa

Đi như lạc trong trời đất,
Thuỷ tận sơn cùng, xí xoá ta.
Cõi chiều, đứng lại, khóc như liễu:
Có thật là ta đi đã xa?

Biệt tăm

Chỉ là một bước, bước trờ,
Mà rồi từ đó tới giờ biệt tăm.
Bao lần chạy vạy hỏi thăm,
Hỏi chưa ra, đã trăm năm, sững sờ.

Vẫn là

Vẫn là tiếng thinh lặng kinh hoàng
Đâu đó quanh đây
Do một vật đã rơi buông từ chỗ rất cao
Còn để lại

Vẫn là nỗi khuya khoắt đuối tuyệt
Đâu đó quanh đây
Của những bước chân hồ nghi thất lạc
Về tự lãng quên xa.

Vẫn là cơn tức tưởi cầm nén
Đâu đó quanh đây
Bục ra từ xương thịt tủi phận
Khốn quẩn tồn sinh.

Vẫn là niềm nhớ nhung oan khuất
Đâu đó quanh đây
Về những khôn thiêng chưa hề hiển dạng
Ngày đêm chứng giám ta.

Vẫn là sự đeo đẳng rợn người
Đâu đó quanh đây
Của những điệu ru hời vướng vất thiên cổ
Đầm cây cỏ hôn mê.
 1996

Bỏ lỡ

Ít nhất một lần, đã bỏ lỡ
Cùng em ngoài cõi mộng lang thang.
Chờ khai ngộ một dòng kinh cổ,
Trắng kiếp ngồi lì cửa hỗn mang.

Hoa suông

Đành phận, hoa suông đã sớm rụng,
Tự cành hàn giấu ngấn sinh ly.
Sân chiều, khom định những tan tác,
Ứa trở đau thương mộng một thì.

Đêm thức

Con tắc kè sực tỉnh mộng tiền sinh,
Kêu mấy tiếng u minh buồn bã quá.
Mấy chàng bạch diện giờ đâu cả?
Chuyện đời kể dở, dứt ngang sao?

Thanh minh

Trọn ngày, hồn mộng rong chơi
Miền cỏ non xa rợn.
Lúc chiêng thu không,
Còn chưa muốn trở về mồ.

Dừng bước

Mặt trời mọc đã quá lâu,
Bức bối nỗi trần thân đơn độc…
Giữa một thoáng trống giao phiên của gió cát,
Ta lau phẳng vầng trán nhọc nhằn,
Lau phẳng ký ức xếp nếp.

Vận nghiệt

Mãi vận nghiệt vào ta
Nỗi bất ổn làm người.
Rừng trằn trọc âm chấn
Chim thú săn mồi khuya.

Cánh diều

Thả xa vạn dặm ngoài,
Kéo dài dĩ vãng thôi…
Chỉ bứt, diều băng rơi
Đồng đất người lạnh mặc.

Hồn lạc

Một hồn bất phụ thể
Lạc từ dâu biển xưa,
Tới trước, đợi nơi mồ,
Nghe mòn bia chửa dựng.

Không kịp

Gặp lại nhau, nhìn sửng chẳng ra,
Em thay đổi quá, tựa sơn hà.
Thơ làm không kịp theo dâu biển,
Mắt dẫu khô mà nhớ lại hoa.

Đuối trông

Có lần nơi gió cát,
Nhờ chút duyên thừa,
Hạnh ngộ khách hành hương qua phương Tây.
Soát lại mình,
Ra chẳng còn thứ định gửi,
Rớt đâu quên.
Đành đứng đuối trông vầng bụi khuất.

Nhanh hơn

Cố gắng,
Cố gắng theo cho kịp
Cái bóng mình như có đi nhanh hơn.

Thương tật

Vũ trụ mãi không xong,
Thường hằng nổ nát.
Mỗi khuya, người mang về
Một dạng hình thương tật.

Hồn trôi

Về khuya, khi tóc đã rộ trắng,
Người gieo hồn trôi xiết Ngân Hà,
Rạch ngất một luồng rực hoa sảng,
Tuốt rụng mình từng lớp sát na.

Sát na

Đứng trưa,
Tưởng nghe được chông chênh.
Tưởng thôi, nháng tưởng thôi,
Trí năng nào nhạy kịp.

Đá mộng

Nhìn đá, ta định chừng đá ngủ.
Phải chăng đá giú mộng trong lòng?
Tại đây, đá sống lâu đời nhất,
Đá rõ điều ta muốn rõ không?

Con sáo

Con sáo trong lòng con đã chết.
Bé ơi, sao bé còn đi tìm?
Còn kêu lạc giọng sáo ơi sáo,
Rồi khóc trong chiều muộn nhá nhem?

Chim kêu bãi quạnh

Dưới lũng, trên triền, nắng xếp nhỏ.
Nước ròng sâu, sông lảng lảng xa.

Khắc khoải chim kêu ngày tận tuyệt.
Ai trầm luân đó có về qua?
Mông quạnh bãi phơi vũng vướng mắc,
Con cò lặng ngẩng lắng hơi thu.
Xác cây gục hỗn mang cành rễ.
Rừng đứng quanh đây, rừng tận đâu?
Gió thấp thoáng, xa xôi hiện ẩn.
Đêm nay, mây đâu nghỉ phương nào?

Khắc khoải chim kêu hồn khuất giạt.
Cảnh nổi trôi giờ đã lặng chưa?
Ngấn nước đục khoen lem cỏ sậy,
Lưu mà chi chỉ dấu phù hư?
Xương cốt vẫn là xương cốt cũ,
Đành rêm nhức mãi trở trời xưa.
Linh chăng những vàng tiền mẹ đốt?
Cửa để, con đi chơi về khuya.

Khắc khoải chim kêu đời khổ nạn.
Cò ai ngồi rạng cội cây già?
Chim vút lên như hòn đá ném,
Rồi tôi, cái có chỉ là qua.
Chiều nay, trên bãi sông run rủi,
Mường tượng dòng sông trôi tro ta.
Một mai, ngoài cõi gió hao đuối,
Ai hỏi ai về ai trước kia?

Khắc khoải chim kêu mùa xoá giải.
Hành nhân về bên giếng quê nhà.
Ngõ trúc chiều ngát cơm gạo mới.
Ngọn đèn thắp đợi đã rền hoa.
Cởi đôi giày vẹt, tấm áo tả,
Xót xa như lột một lần da.
Chiêm bao, âu cũng chiêm bao cả.
Mưa lớn, chừng mưa rợp hải hà.

Chiều bóc, bóc dần những rớt nắng
Loi ngoi nắm níu lũng triền xa.

8.1998

Hái rau

Tặng Văn Kiếp Thiên và Nguyễn Thanh Châu

Chiều ra đồng hái rau hoang,
Nghe sầu theo gió thổi tràn mặt ta.
Ơn trời, ơn đất bao la,
Hái đi, này những xót xa kiếp người.
Cổ kim chung một mái trời,
Kinh Thi cũng có bóng người hái rau.
Cúi mình, khổ luỵ như nhau,
Tập tàng mót nhặt trả hầu nợ thân.
Cơ trời, núi đổ, sông dâng,
Miều đường bay mái, thánh thần lạc thây.
Ta nhìn ta, lạ lùng thay,
Tả tơi, đâu chỉ hình hài thấy đây.

Đêm nằm, lệ chảy mòn tay,
Nghe chừng đá nát vàng phai đến điều.
Mịt mùng gió lửa liu hiu,
Bóng nào khóc, bóng nào kêu, não nùng.
Thịt rơi, xương rụng trùng trùng,
Một thời thế ngã với từng xác thân.
Dưới thềm, máu đọng ghê chân,
Mới ầm cửa sập, đã rần cỏ lên.
Bó thân che lấy mạng hèn,
Sống đong một bữa, tâm chèn khổ sao.
Quê người, lạ chỗ gối đầu,
Lạ trăng sao, lạ cả màu chiêm bao.

Miếng ăn đắng, nuốt nghẹn ngào,
Chỗ sân thấp, biết khoảnh nào sạch dơ?
Kiểm còn chút đức ngu ngơ,
Hổ chi, chẳng trải bãi bờ trăm năm?
Một mai gió xoá dấu nằm,
Thản nhiên, trời đất lỗi lầm lại xưa.
Kiếp này lửa nắng, dầu mưa,
Hậu thân xin chớ nhớ thừa hiện thân.
Xót thay hoa đời trên giàn,
Quán xanh còn mở cho chàng về qua?
Rượu hồng, ai để phần ta,
Lệ hồng, ai nén chờ sa một lần?

Thân nào, ôi chẳng là thân,
Cát đau bởi nỗi gió quần biết đau.
Núi vây, trời hẹp, ngày mau,
Liều đau chết điếng, nguôi đau ít nhiều.
Hái nhanh cho kịp trời chiều,
Ấy mê, ấy tỉnh, cỏ nhiều hơn rau.
Làm người, đã phải làm sao?
Thêm bề rau thấp, cỏ cao, tội người.
Cám ơn rau của đất trời,
Hẩm hiu chưa cả được đời đặt tên.
Cám ơn rau của người hiền,
Quản chi dưới vực, trên triền mọc khơi.

Giá ta hỏi được một lời,
Rau này, trăm họ mấy người đã ăn?
Bãi dài, nghe hú âm rân,
Ngẩng lên, ngày đã bội phần chầy nghiêng.
Rừng đưa mái võng treo triền,
Như quằn chiếu sánh, như lền gió qua.
Lũng sâu, gom gọn nắng tà,
Dải lau sóng ngất bạc nhoà cuối mây.
Biết còn ai đợi ai đây?
Hú lên một tiếng cầu may mới đành.
Lắng chờ, trời đất lạnh tanh,
Tuyệt vô âm vọng, rợn mình mình ta.

Dặm về, xa bấy là xa,
Lấy ai đồng cảnh cùng ta bước kèm?
Thu gom áo nón lèm bèm,
Xốc vai bó củi lại kèm bó rau.
Bóng xô dài ngã lao đao,
Phải chăng lòng nặng, chĩu đầu mà đi?
Dọc đường thấy suối xanh rì,
Muốn nghiêng trút tất những gì đeo đai.

1982

Suốt bãi sông Hằng

Tặng Lê Hữu Khoá và Bích Anh

Khuya rồi, nước đã đầy trăng,
Đi về suối bãi sông Hằng, gặp ai?

(Đi về)

Sông Hằng suốt bãi chờ nhau,
Cát mòn mỏi cát, mùa hao hớt mùa.
Hẹn về, dù nắng dù mưa,
Che đầu, sẵn tấm lòng thừa tuyết sương.
Đường, đi rồi nhận ra đường,
Biển dâu thì đã tỏ tường biển dâu.
Tìm người, hỏi gạn chiêm bao.
Tưởng người, nhớ buổi nguồn đào vẫy tay.
Có xa, cũng dưới trời này,
Có xa, cũng nội lòng này, chẳng xa.

Nại Hà, cởi cả đi qua,
Chỉ trần lai lịch làm da bọc mình.
Cõi anh, râu tóc bất bình.
Cõi em, em có thuận tình với em?
Dằn lòng, có ấy là thêm,
Ít nhiều chi cũng cứ xem như nhiều.
Đòi phen toan đẩy cửa liều,
Ra cùng thiên hạ vui chiều ngửa nghiêng.
Hát ngao, xá mũ, nhặt tiền.
Cuộc tan, lau mặt trả mình được sao?

Nguồn đào trôi xuống nhánh đào,
Hỏi thăm còn hết chiêm bao chỗ nằm?
Một lời thôi cũng trăm năm,
Chiêm bao đi lại chỗ nằm đã quen.
Em về, gió cát oà lên,
Trăm thương nghìn nhớ vỡ rền thế gian.
Trở chiều, ngồi lại cời than,
Thổi bùng ngọn lửa chưa tàn ba sinh.
1988 / 2003

Viễn Tây

Mỗi năm, bờ mỗi lở xa thêm…
Bên này sông,
Chẳng còn nghe thấy nữa tiếng gà gáy diệu vợi
Bên kia sông.

Có thể nào một sớm mai kia,
Hoang mang bốn bề sương trắng mịt.
Chợt đến khi trời sáng rỡ ngỡ ngàng,
Thấy thôi chẳng còn gì, thôi chẳng còn ai.

Trùng trùng vách núi rát âm vang
Lời khóc kể tối trời
Của những bộ tộc bị tru di
Theo gió vận cùng tàn tro những dũng sĩ.

Ai đã từng ngồi đây giữa đường hồ hải,
Giữ đống lửa qua đêm,
Gửi trước ra xa bao tình mộng thăm dò
Những ngày mai vô định liệu.

Những bánh xe nặng rời rã lăn qua
Những mênh mông bất biến chưa có mặt đường.
Mùa hè trống thênh.
Mùa đông tịnh không.

Rứt ruột, gửi gắm cho thời gian
Thi thể những người thân bất hạnh
Đã chẳng tròn được lời ước hẹn buổi đăng trình
Trở về chết nơi sinh.

Thôi, trách chi người đi chẳng hết đường.
Em bứt ngang lời thề độc, ở lại thị trấn nấm
Có quán rượu hực lửa đèn, đàn hát, bạc bài…
Trước khi già, lấy chồng sinh con.

Mai có ai về ngang quãng sông này,
Xin ném cho hòn đất hỏi thăm.
Xưa có người đi chẳng đến đích,
Để con tuấn mã lại đời hoang…

Những nấm mộ đá chồng rỗng kiệt,
Hình hài người chết đã tiêu tan.
Nhưng chắc đâu hồn mộng chẳng còn chạy giỡn bạt ngàn
Cho tàn hả cuộc mê man cùng Vô Biên độc nghiệt.
1996

Đại bình nguyên

Đất xa đuối, trời sâu vô vọng.
Đất trời còn chịu đựng bao lâu?

Ngàn, ngàn dặm không bóng người, dạng mộ…
Hú, không nghe động tĩnh cả hồn thiêng.
Chỉ những cuộn cỏ gai lăn giỡn.

Chim bay thoát ra chăng?
Qua đây, gió kiệt tàn.
Chung thân, thiên cổ bị cầm giữ,
Mỏi nản cùng mặt nhật im trơ.
Đá cũng làm thinh, không có chuyện.

Chiều nay, ai qua đại bình nguyên,
Xa ngoài tầm réo về của mệnh luỵ.

Nhớ, như cỏ, xô tràn…
Mơ, như mây, tản mạn…

Mùa thu, gió bạc phơ
Kéo phết mặt người dải ngây ngất.

Ôi mây vĩnh hằng, ôi cỏ trường tại,
Ta từng thấy, từng quên, từng thấy lại
Từ vô nguyên tịch mịch thần linh buồn,
Qua đằng đẵng đi về một bóng mộng
Tận xoáy cùng bất biến của thời gian.

Lời nào rốt nghĩa đời?
Trót lập ngôn, thánh hiền e cũng hối…

Đâu nơi cuối đất?
Nào cõi cùng trời?
Đêm nay, ngươi ngủ đậu nhà ai,
Liệu có giấc mơ nào khác trước?
Việc đời, cũ ê chề…

Thì như trời đất, kiên trì thôi,
Giam hãm tuần hoàn, quay nốt trớn.

Tích sử rũ quên,
Tâm tình giải bỏ,
Về tới chưa, người qua ải Tây?

Chiều xa cừ trôi trôi nắng tàn,
Lan chạy sóng cỏ,
Vèo ràn cánh chim,
Bạt tưa rách tiếng mê đơn thoại,
Vương vất nỗi muộn màng.

Chợt trời đất rùng mình đổi cách sáng…
Nhẹ thênh huyễn ảnh người
Cõi biếc sững trăng sao.

Đất xa đuối, trời sâu vô vọng…
Chiều nay, ai qua đại bình nguyên…
7.1998

Đường trường đêm

Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn.
Anh không còn muốn tự định liệu.

Tốc độ cao gài cố định mặc,
Đường trường lái băng đêm,
Như tự nguyện thất giạt…

Bất biến nản trước đầu xe thầm thầm mỗi khúc đường ngắn, rất ngắn.
Như ta thấy đời ta từng quãng, quãng gần,
Phải ráp nối mệt thành một liền lạc bất nhất.

Vượt bạt mờ những vũng sáng kỳ bí lạc loài rờn ánh trên nền mây,
Chỉ dấu những quần cư nào ở mặt đất.
Có khác chi chăng, nơi chưa từng đến ấy?

Vui lóe lên với những chấm đèn leo heo phía trước,
Với những luồng đèn đi ngược xô loà,
Nghe phả ấm loáng thân tình giữa những con người cùng lúc ở trên đường
Không thấy biết nhau…
Rồi nghĩ lan qua những tình cờ giao chập trong đời
Cũng chóng vánh đến phũ phàng
Như một ảo diệu mịt mùng của định mệnh
Mãi còn vô vọng với về sau.

Thả hồn trôi theo một tấu khúc chừng quen,
Dềnh giạt về những quá khứ bỗng ngoi nổi.
Nhớ lại, cố nhớ lại những người bạn bặt tin, những người thân tứ tán…
Ngày tháng rùng rùng nối rượt nhau
Máng rớt thất thần
Những âm bóng tàn vong ngờ chưa từng có thực…
Chuyến sinh tử cao tốc chạy văng mạng
Lôi hung tàn ký ức bứt đầu, tay…
Những chực tắp xe nơi vệ đường,
Mặc tình khóc cho tan ta.

Ghé lại một trạm xăng, một hàng fast food hay một rest area.
Đây là đâu?
Đây cũng là đâu đó vậy.
Dấp nước đầu, cổ, mặt,
Tỉnh tỉnh lại với đời…
Và trong những khoảnh đèn khoét đọng lẻ quạnh,
Nhìn chút đỉnh những con người,
Nhìn cuộc sống còn nửa thức, nửa ngủ.
Hỏi lại mình: Lòng ngất tạnh khuya,
Tìm đâu một chốn ấm hơi đời?

Chạy rề qua những cổng toll way,
Ném dúm đồng tiền vào rỗ đợi,
Nghe lăn nhanh chuỗi âm thanh va bạt hoang mang,
Thoáng cõi đời như mơ hồ…
Hoặc giả nhìn vẻ mặt người thu tiền uể oải,
Hờ hững tiếng cám ơn.
Chừng nỗi đời khá nhạt nhẽo.

Ở những mối đường tẽ ba tẽ bảy phân vân,
Muốn xuống xe, làm như kẻ lang thang xưa,
Tung cao may rủi một đồng tiền hay một cành cây,
Nhờ tình cờ định hướng hộ.

Nước Mỹ này quá rộng và quá buồn.
Anh không còn muốn tự định liệu.
8.1998

Chia tay ải Tây
Tặng Thanh Tâm Tuyền

Mới độ nào chia tay ải Tây.
Đi đâu hay chỉ cốt rời đây?
Mây trôi, dăm mảng nhớ hư hoặc,
Gom chẳng thành câu chuyện thuận tai.

Lời kiệm, quanh ba cái ý quẩn,
Tiễn đưa vừa một quãng mây bay.
Ra về, thấy nhật nguyệt điên đảo,
Ray rứt chưa tròn hẹn ải Tây.

Có thật từng chia tay ải Tây?
Mây qua để bóng cổ thư này.
Tuyệt cùng ký ức nơi tới,
Tin tức ngàn thu biết hỏi ai?

Bao nhiêu đống lửa đêm quan ngoại
Gió thổi tan tro mỗi sáng ngày?
Trong trời, mây ấy cũ hay mới?
Ải Tây, lần nữa, lại chia tay.

Mãi mãi còn chia tay ải Tây.
Ngày ngày mây lãng đãng qua đây.
Cõi đời giấu một phía mê tưởng,
Đi nép ranh, mường tượng ải Tây.

1.2000

Nguồn: Thắp tạ, tập thơ của Tô Thuỳ Yên. An Tiêm xuất bản.

September 17, 2009

Hỏi đường

THƠ
Nguyễn Ngọc Tư
Hỏi đường




Những ngày lang thang trên đất lạ, với tấm bản đồ rách rã, đôi khi tôi phải dừng lại hỏi đường. Ông ơi, lối đi này dẫn tới đâu, cháu muốn tới những thung sâu những bãi cỏ buổi sáng từng là chợ, ông già im lặng và ngón tay gầy quắt, vẽ cho tôi một con đường

Những ngày hoang mang trên đất lạ, một mình, tôi hỏi những em bé gầy gò, lem luốc
em ơi, đi lối nào tôi sẽ đến đỉnh ngọn núi kia, để nhìn dòng sông kẻ một chân mày nơi đáy vực. Những em bé ngó nhau, lời ngọng ngịu trên môi vạch cho tôi một con đường.

Những ngày phiêu lưu trên đất lạ, tôi hỏi những cô gái tỉa bắp bên đường, chị ơi ngã nào thì tới cánh đồng, bầy dê nhỏ vùi mặt vào cỏ rối, bên lối đi nhiều hoa dại, lúa xỏ mầm qua đất, xanh non. Những cô gái gạt mồ hôi, ánh mắt cười lung linh trao cho tôi một con đường.

Những ngày rong ruổi trên đất lạ, tôi một lần dừng chân lại hỏi con đường, lối nào sẽ dẫn đến người.
Đường im lặng đi lên đồi mải miết, người ngốc ơi, chỉ cần dừng chân lại, sẽ thấy người.
Khúc hát rời Nho Quế

Sông chiều
nhiều nắng mỏng
giang hồ ngồi nhớ xa xăm quê nhà…
                *
Cầu nát
Tôi ở bên bờ ngơ ngác
Lòng đục nghẹn ngào trước nước quá trong
Lũ trẻ chăn dê thản nhiên qua sông
                *
Em vớt củi giữa dòng
váy em ướt đẫm
phơi củi bằng nắng,
váy lay gió rồi khô,
em hong phận người thương khó bằng gì?
                *
Người lẻ bảy ngày ngồi đây muốn khóc
Sông chảy một mình giữa đá, buồn không?

Về quê

Thằng bạn tôi, thằng bạn bụi bậm, thằng bạn giang hồ của tôi về nhà.
Tôi không biết nhà nó ở đâu, nghe nói có một ngọn đèo, có cây, có cỏ, có khói toả lên từ những mái nhà dưới thung.
Đứa tinh quái, nhiều ý tưởng mới lạ, nhưng nói về quê mình thì cũng chỉ ba từ “đẹp mà buồn”.
Giống cái cách người đời khi kể về quê của họ.
ở quê nó có một bầy em nhỏ. Đứa ngoan đứa không ngoan. Về quê là nghe mẹ trách ba, ba trách mẹ, em này méc em kia. Ngơ ngác xử phân mà đằng nào đúng cũng xốn xang.
Về quê thấy có bầy dê mới, góc cột thêm một ổ mối, cây ổi vườn sau bị gãy mất nhánh rồi. Không có vẻ gì chờ đợi người lang bạt.
Chái sau nhà đã lợp thêm mà không đợi.
Cỏ trên đồi không đợi, mịt mùng xanh.
Hoa bên rào không đợi, đã nở, cũng vừa xong nát rữa
Láng giềng không đợi, đi mua rượu cho chồng, chân rối vào chân. Tay níu chặt cái chai và chiếc nón loay hoay nửa như giấu đôi má rám nửa muốn che vồng ngực chảy não nề. Bên xóm có người về…
Trẻ con không đợi, cứ lũ lượt ra đời, khóc rạn cả một vạt chiều lơi nắng.
Chỉ mẹ đợi bạn về để nói: “ba mầy lúc này suốt ngày say…”.
Chỉ ba đợi bạn về để hỏi: “mẹ mầy đã cạn tình yêu…”.
Chỉ những đứa em đợi bạn về để khoe vết chém còn mới trên vai, “Thù này quyết trả…”
Đứa em gái níu tay anh thầm thì, “anh ơi, môi chạm vào môi thì có con không?”
Bạn tôi mỉm cười.
Cỏ trên đồi đã từng qua mùa cháy.
Xanh xanh.




 Sương mù
Chân lý ngủ mê,
vào cái ngày sương mù ấy
lá đang xanh hay đã phai màu?
hoa bạc đầu hay sắc tím vẫn nhói sâu?
Đường thăm thẳm vô biên, hay đường chỉ năm ba bước?
Mây lang thang trên vai, hay không bao giờ ta tới được
trời cao?

Mắt tôi vừa rụng giọt sương
hay nước mắt cất lời?
Người còn ở bên tôi
hay người để tình trôi?
Thênh thang thênh thang sương rơi,
trần gian còn có người?

Những câu hỏi liêu xiêu hư thực,
trong ngày sương thức giấc
nuốt vào lòng nó sự thật giống như sự thật

Tin còn có vành tai, nhờ lạnh buốt
Tin còn có bàn tay, vì lạnh buốt
Mặt trời ơi mặt trời ơi,
Cũng có khi tôi nhớ người

September 14, 2009

Người hải nội - Người hải ngoại

Bùi Giáng

Hôm nay bắt gặp thơ người
Niềm than thở nọ nụ cười gượng kia
Bóng huyền rũ mộng tàn khuya
Màu tơ tóc bẽ bàng chia bên đèn
Nửa đời ước nguyện hồ quên
Bên nguồn thủy nguyệt sầu nguyên sơ về
Giấc vàng Lạc Phố khuynh khuê
Trót vì vô hạn mái thề đổi hương
Nước xanh đổ lộn tự dòng
Thuyền ngao ngán bến lại bồng bềnh trôi

Thưa em lời lẽ sai rồi
Tuyết tan đầu sóng triều khơi pha mù
Phượng đầu trang hạ xanh xao
Lục hồng bỏ vắng trong màu áo đơn
Cỗi nguồn lá đỏ đi hoang
Chết trong hồn cỏ hai đường ngược xuôi
Dư âm tiếng cũ ngậm ngùi
Vòng tay khép ngủ nghe trời thu mưa

Người hải ngoại

Mép bờ trái rụng ngổn ngang
Ngang thương nhớ phủ con đàng đi qua
Trời Tây Phương tuyết phai nhòa
Tấm thu bỏ lạnh bên tà áo bay
Lỡ lầm ly biệt là sai
Có bao giờ hẹn ngày mai em về
Mộng chiều bủa tóc vàng hoe
Vào trong nắng rộng tìm nghe chân người

September 11, 2009

Mười điều cần biết để bạn tìm kiếm Google hiệu quả hơn


Mười điều cần biết để bạn tìm kiếm Google hiệu quả hơn




Trong thời đại Internet, bạn không cần phải nhớ hết mọi thứ: Đó chính là ý tưởng phía sau câu ca dao hiện đại “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra Guc' gồ”. Biết cách tìm kiếm hiệu quả trên Google chính là chìa khóa thành công của bạn. Mười điều cần biết sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi dùng Google:

1. Hãy tận dụng dấu ngoặc kép: Khi bạn bao một nhóm từ bằng dấu đóng mở ngoặc kép, Google sẽ tìm các văn bản chứa chính xác nhóm từ đó. Với dấu ngoặc kép, bạn sẽ loại bỏ được nhiều kết quả không mong muốn. Ví dụ, bạn muốn tìm bài viết mà bạn nhớ có cụm từ “phong cách sống rất hiện đại”, hãy gõ vào Google [“phong cách sống rất hiện đại”] (trả về 5 kết quả) thay vì [phong cách sống rất hiện đại] (trả về hơn 5 triệu kết quả).

2. Tìm kiếm trong một trang web nhất định: Thêm vào từ khóa “site:” sẽ khiến Google chỉ tìm kiếm trong trang web đó. Ví dụ, gõ vào Google [“tham nhũng” PMU18 site:danluan.org], bạn sẽ tìm thấy tất cả các bài viết liên quan đến tham nhũng tại PMU18 ở trang Dân Luận.

3. Ký tự ‘*’: Nếu bạn chỉ nhớ láng máng lời một bài hát, bạn có thể dùng ký tự ‘*’ thay thế cho đoạn bạn quên. Ví dụ, gõ vào Google [“tình * côi”], bạn sẽ tìm thấy “tình đơn côi”, “tình mồ côi” hay “tình hoa mận côi” v.v…

Bạn cũng có thể dùng ký tự ‘*’ để hạn chế kết quả tìm kiếm. Ví dụ, bạn muốn tìm thông tin về học bổng, vậy hãy chỉ tìm các bài có chữ “scholarship” trên các trang web có đuôi là .edu: [scholarship site:*.edu]

4. Tìm kiếm kết hợp: Google luôn tìm trang có chứa tất cả các chữ mà bạn gõ vào ô tìm kiếm. Nếu muốn tìm trang có chứa từ này hoặc từ kia hoặc cả hai, hãy dùng từ khóa “or” (hoặc viết tắt bằng dấu “|”). Ví dụ, gõ vào Google [“Việt Nam” | “Đại Cồ Việt”] sẽ trả về các trang có chứa “Việt Nam”, “Đại Cồ Việt”, hoặc cả hai.

5. Tìm kiếm loại trừ: Nếu bạn muốn loại bớt “nhiễu” từ kết quả tìm kiếm, bạn có thể dùng từ khóa ‘-‘. Ví dụ, gõ vào Google [“Việt Nam” –“Đại Cồ Việt”], kết quả trả về sẽ chỉ chứa các trang web có từ ghép “Việt Nam” mà không chứa “Đại Cồ Việt”.

6. Tìm ngược liên kết: Từ khóa "link:" sẽ cho bạn tìm hiểu những trang web nào liên kết tới một địa chỉ bạn quan tâm. Ví dụ, gõ vào Google [link:danluan.org], bạn sẽ biết có bao nhiêu trang liên kết tới Dân Luận.

7. Tìm các dạng tập tin khác nhau: Bạn muốn tìm một tài liệu về “Hồ Chí Minh” mà bạn biết chắc chắn nó nằm trong một tệp tin Word, hãy gõ vào Google [“Hồ Chí Minh” filetype:doc]. Sự có mặt của từ khóa “filetype:” sẽ lọc tất cả các loại tập tin không mong muốn. “filetype:pdf” trả về tập tin pdf, “filetype:doc” trả về tập tin Word, “filetype:xls” trả về tập tin Excel v.v…

8. Xem trang web từ cache của Google: Khi Google viếng thăm các trang web để tạo cơ sở dữ liệu tìm kiếm, nó cũng đưa các trang vào bộ nhớ của mình. Để xem trang web trong bộ nhớ Google, hãy dùng từ khóa “cache:”. Ví dụ, gõ vào Google [cache:danluan.org] sẽ thấy nội dung trang Dân Luận được ghi nhớ lại bởi Google.

9. Tìm kiếm theo vị trí trên trang web: Một trang web luôn có địa chỉ (url), tiêu đề (title) và nội dung (text). Nếu bạn biết từ cần tìm nằm ở địa chỉ hoặc tiêu đề, hãy dùng các từ khóa “inurl:” hoặc “intitle:” để yêu cầu Google chỉ tìm trong địa chỉ hoặc tiêu đề. Tương tự, “intext:” chỉ tìm trong nội dung trang mà không tìm trong địa chỉ và tiêu đề.

10. Làm toán với Google: Bạn cần làm một phép toán nhân chia, hoặc muốn chuyển đổi giữa các đơn vị? Hãy dùng Google: gõ vào [2*3=] để biết kết quả phép 2 nhân với 3, hoặc [300 feet = ? meter] để chuyển đổi giữa feet và mét.

Tqvn2004

September 10, 2009

Áo lụa Hà Đông

Áo lụa Hà Đông

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

Em không nói đã nghe từng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã động trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng

Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.

Nguyên Sa

September 9, 2009

September 8, 2009

Trận cuối

Trận cuối


"Từ máy thâu thanh cô nàng hát nhanh, trọn kiếp thương anh lính trẻ xa nhà, tôi là người đi lính miền xa, nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu... nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu..." Sáu Mù hát hai lần trước khi kết thúc bản nhạc và lần nào y cũng nhắm mắt lại thiệt chặt. Bẩy Què khoái chí cười sằng sặc, bỏ đờn xuống, bàn: -Bản này mày ca tới hơn bản Xuân này con không về, mà đều mày đừng có nhắm mắt lại …  -Sao vậy ? 
-Mày đui, mắt toàn tròng trắng không hà, mở ra hay nhắm lại thì cũng "có thấy gì đâu". Làm như vậy làm chi cho nó mất công mà tao ngó sao mắc cười quá hà… 
-Ờ... 
Sáu Mù ờ rất yếu và mặt thoáng trầm ngâm. Y bị tật nguyền đã mười năm mà vết thương, đôi lúc, tưởng chừng như vẫn chưa kéo da non. Một va chạm nhẹ vẫn có thể gây ra cái cảm giác đau đớn khó chịu. Bảy Què đang cười bỗng khựng. Nhìn mặt bạn nó biết liền là mình vừa giễu dở nên vội vàng biện bạch, khỏa lấp : 

-Cũng như tao vậy, mày thấy có khi nào tao ca bản "đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm" mà hồi tụi mình học ở Vương Mộng Hồng đâu. Còn có một giò mà cứ làm bộ ắc ê đếm nhịp "một, hai, ba, bốn; một, hai, ba, bốn" hoài coi nó kỳ thấy mẹ !  - Vậy bữa nào rảnh mày dợt cho tao bài Người Nghệ Sĩ Mù đi. Bản đó tao hát nghe mà không rớt nước mắt tao làm con mày. 
-Bản đó mới vô làm sao cà? Bảy Què băn khoăn đưa tay lướt nhanh trên phím đàn mò nốt. 
-Tự nhiên tao cũng quên mất tiêu. Tao nhớ là hồi đó mình hay nghe ở cái quán cà phê gì ngoài Ðà Nẵng đó. Lúc mới vô đầu in tuồng có tiếng đờn, rồi tiếng tiền cắc thẩy vô lon nghe keng, keng... 
-Thôi tao nhớ rồi... Bản này của Hoàng Thi Thơ, Hùng Cường ca chớ đâu. Rồi Bảy Què lấy giọng vô luôn: "Ai dừng chân nơi đây buông lòng theo câu ca. Tôi ngồi trong bóng tối nghe đời đi ra xa... " 
- Nó đó... 
- Mà không được đâu... 
- Sao vậy ?
- Hát bản này nghe giống như hai thằng mình đi ăn xin vậy. Tụi mình đâu có đi hát dạo kiếm ăn. Mình có trách nhiệm đàng hoàng mà, đúng không ? 
- Ờ . 
Lần này Sáu Mù " ờ" mạnh hơn và thốt nhiên nghiêng đầu nở một nụ cười rạng rỡ. Y luôn luôn thấy thích thú, vui vui sướng khi nghe Bảy Què nhắc đến chuyện " trách nhiệm " của hai thằng. Sáu Mù không nói ra được những điều mình biết và mình nghĩ trong lòng rành mạch như Bảy Què nhưng y khoái nghe bạn nhắc đi nhắc lại " nhiệm vụ " và " ý nghiã " này nọ. 
Có bữa cao hứng Bảy Què còn nói lung tung về tác dụng của chiến tranh tâm lý, tác dụng của nhạc trong tâm hồn quần chúng... Sáu Mù thiết tha được nghe cũng như Bảy Què khát khao được nói. Cả hai không bỏ lỡ cơ hội nào để bồi đắp niềm tin về cái ý nghiã xa xôi, mơ hồ nhưng cao đẹp cho phần đời thân tàn ma dại còn lại của hai thằng. 
Thường ngày hai thằng ngồi bên ngoài chợ trời. Bảy Què bầy đồ nghề trên một cái bàn xếp chỉ lớn bằng bề mặt hai cuốn tập và cái bảng nhỏ cạnh bên: "Vô Mực Ruột Viết Bic và Sửa Hộp Quẹt Zippo Giá Rẻ". Sáu Mù thì không làm được chuyện này. Y vừa ngồi thổi sáo vừa bán sáo. Cái nghề này kiếm ăn không khá. Sáu Mù sống lây lất được là nhờ sự đắp đổi của bạn. Ðiều này vẫn thường làm cho y buồn và mang nhiều mặc cảm. Bảy Què cứ phải an ủi hoài hoài : 

-Mày kiếm tiền không nhiều được bằng tao nhưng mày có dịp thổi sáo cả ngày. Cái lợi là mình làm cho những người khách qua đường được nghe tới nghe lui bản "Lòng Mẹ"," Con Thuyền Không Bến"...  -Lợi làm sao ? Bảy Què đã nói cả trăm lần như vậy rồi mà lần nào Sáu Mù cũng ráng hỏi lại. 
-... Thì đ.m... người ta nghe mấy bản nhạc đó thấy đã tai hơn là nghe mấy bản nhạc chướng tai của tụi nó. Từ đó người ta nhớ thời cũ và càng chán cái thời chó đẻ này. Làm được như vậy là kể như tụi mình đang chiến đấu rồi. Cái này kêu bằng chiến tranh tâm lý mà Sáu! 
Thiệt ra cái kêu bằng "chiến tranh tâm lý" này không phải là ý kiến của Bảy Què. Y chỉ lập lại những điều mà anh Hai hay nói cho tụi nó nghe thôi. 
Hai thằng quen anh Hai lâu rồi. Bữa đó, chợ trời bị bố ráp, rượt bắt một trận tơi bời. Bảy Què mất hết đồ nghề, mất luôn cây nạng. Sáu Mù cũng quờ quạng sao đó để mất luôn hết lưng vốn của mình, hai chục cái ống sáo. Sáu Mù cõng bạn chạy mà mệt muốn đứt hơi. 
May mắn gặp được anh Hai. Aûnh bỏ hai thằng lên xe chở tuốt về xóm. Từ đó anh Hai trở thành người anh kết nghĩa và ân nhân của hai thằng. Sáng, anh bốc hai thằng bỏ lên xe chở ra chợ. Chiều, anh cho hai thằng về. Lâu lâu còn có bữa anh "vớt" hai thằng về sớm hơn giờ đã định, đưa ra đường Hàm Nghi uống rum Lebon và nhậu củ kiệu với hột vịt bắc thảo. Anh Hai không bị đui, cũng không bị què. Anh chỉ bị chột mắt thôi. 
Anh Hai không bao giờ nói cho Bảy Què và Sáu Mù nghe về dĩ vãng của mình. Thường ảnh hay trầm ngâm và buồn. Lâu lâu anh Hai mới nhỏ giọng, nghiêm trang nói chuyện với hai thằng, với giọng nói rất chân tình và thuyết phục. Từ anh Hai mới có chuyện "chiến tranh tâm lý": "Cuộc chiến của mình vẫn đang âm thầm tiếp diễn trên mọi mặt trận. Hai em phải thấy, tụi nó chiếm được thành mà không chiếm được lòng người thì chưa kể được là thắng; hiện tại tụi nó không những đã làm mất lòng người mà còn mất luôn cả lòng sĩ tốt của nó nữa. Chung cuộc tụi nó sẽ thua.Vấn đề của anh em mình bây giờ là phải chiến đấu, đóng góp toàn lực trong khả năng riêng của từng thằng để rút ngắn con đường đưa đến chiến thắng càng sớm càng tốt..." 
Ðã nhất là anh Hai làm cho Sáu Mù và Bảy Què thấy rằng tụi nó không phải là kẻ tàn tật đứng bên lề cuộc đời. Tụi nó vẫn có khả năng, không những chỉ để sinh tồn mà còn để chiến đấu chống lại kẻ thù nữa. Từ đó, mỗi buổi chiều trở về xóm nhỏ thay vì chỉ nằm hát nghêu ngao chơi cho đỡ buồn thì Sáu Mù và Bảy Què dượt nhạc ráo riết. Mỗi tuần hai thằng được bà con vỗ tay tán thưởng, chia xẻ với niềm tin chung mãnh liệt của tất cả mọi người: cuộc chiến vẫn cứ đang tiếp diễn. 
Lúc anh Hai tới thì Bảy Què và Sáu Mù đang cãi cọ về bản Sài Gòn Vĩnh Biệt. Sáu Mù thích chơi bản đó nhưng bị Bảy Què cự nự: 

-Người ta chán nghe hát tới hát lui "Sài Gòn ơi anh xin hứa rằng anh trở veà" rồi! Nghe láu cá chết mẹ. Có thấy ai về đâu nào? - Nhưng mà - Sáu Mù nhỏ nhẹ - bà con vẫn cứ mong chớ đâu có chán. Mình ên mày không thích rồi mày nghĩ ai cũng vậy sao? 
Anh Hai can thiệp: 
- Thôi trễ rồi nha hai đứa. Thì cứ để cho thằng Sáu nó ca; bản nào bà con vỗ tay nhiều thì hát tiếp không thì tuần sau bỏ. Bốc hai thằng lên xe, đạp ra khỏi con hẻm rồi anh Hai mới hỏi:  - Chiều nay tụi mày tính "hành quân" ở đâu đây? 
- Cho tụi em xuống trạm xe buýt ở góc Trương Công Ðịnh và Nguyễn An Ninh đi. 
-Hát ở ngay đó tụi công an nó đá cho dập mật à. 
-Ðâu có, tụi em đón xe lên Tân Cảng mà. Thì cũng làm y chang như mấy lần trước vậy. Ði xe đường dài, khúc nào khách không chen chúc quá đông thì mình làm vài bản. Lần quần chiều nay mà tụi em chơi chừng hai chục bài là coi như tạm đủ để trả nợ núi sông rồi. 
-Ðược - anh Hai tán thành – "kế hoạch hành quân" vậy là tạm ổn. Nhớ đừng chơi "Giã Từ Vũ Khí" nha, mấy cha. Cái gì mà "trả súng đạn này anh sạch nợ sông núi rồi", nghe rầu quá hà. Sáu Mù bắt liền: 
-... anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi. Xin trả lại đây, trả lại đây... 
- Thôi mà Sáu - Bảy Què dấm dẳn - sao mày toàn thích toàn mấy bản nhạc yếu xìu không vậy ? 
Cụt hứng, Sáu Mù tắt đài, chống chế bâng quơ : 
-Bị nó làm tao nhớ ông thượng sĩ Tâm, ổng già rồi mà hay ca: "rồi anh sẽ qua thăm nhà em, với miếng cau với miếng trầu ta làm lại từ đầu.." nghe thấy đã. 
Tới trạm vừa kịp lúc xe đến. Anh Hai đẩy Bảy Què lên trước rồi dắt Sáu Mù lên sau. Trước khi quay đi anh không quên dặn: 
-Chừng bảy giờ tao chờ tụi mày ở đây nha. 
Ở ngay trạm chính xe chật ních người. Bảy Què đút gọn cái nạng dưới gầm ghế, ôm sát cây đờn ghi ta để đứng trước ngực, ngồi che một khoảng nhỏ vừa đủ cho Sáu Mù dựa lưng vào thành xe và bó chặt hai đầu gối. 
Xe ngừng ở trạm Nguyễn Du rồi Pasteur. Người xuống nhiều hơn người lên. Sàn xe bắt đầu có khoảng trống đủ rộng có thể di chuyển dễ dàng. Bảy Què đẩy bạn lết ra giữa đường đi và bắt đầu dạo đờn nhè nhè làm cho mọi người chú ý. 
Theo đúng chương trình hai thằng sẽ mở đầu bằng bản "Trên Ðầu Súng":
"Trên đầu súng quê hương, Tổ quốc đã vươn mình. Trên lưỡi lê căm hờn, hờn căm như triều sóng. Ôi xôn xao chiêng trống hối thúc đã giục giã khắp chốn rộn ràng. Ôi lửa thiêng dậy bập bùng tay lửa tay vung kiếm. Trên đầu súng xâm lăng xiềng xích với bạo tàn. Trên lưỡi lê nô lệ cùm gông phải đổ nát... "
Người nghe không những chỉ chú ý mà còn hơi sửng sốt. Hát dạo trên xe buýt không phải là một hiện tượng xa lạ nhưng nói đến "nộ lệ," "cùm gông"... thì quả thực là những chữ lạ tai và đã tai! Nhắm thấy có bộ được, Bảy Què và Sáu Mù tiếp luôn bản "Cờ Bay":

"Cờ bay, cờ bay oai hùng trên Tổ quốc thân yêu thề chiếm lại nay mai bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương dang ngóng đợi quân ta tiến về... Ðón nhau về anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Ðông Hà. Sạch bóng thù, đồng ta xanh với nắng mới, vang câu hát tự do." Bản nhạc chấm dứt nhưng không ai vỗ tay. Bảy Què ngước nhìn lên và bắt gặp một hai người đang lấy tay chùi nước mắt. Y xúc động đến bối rối và cũng muốn khóc theo luôn. Y vừa đờn, vừa nói thầm với chính mình nhiều lần "nhảy dù cố gắng" để ngăn cho nước mắt khỏi chẩy. Sáu Mù thì chưa cảm nhận được kịp phản ứng của thính giả, vẫn tiếp tục say mê ngồi hát. Chương trình tiếp nối bằng một bản nhạc đơn ca "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật:
"Năm hai mươi mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai. Người yêu tôi mới quen mà thôi.."
Năm hai mươi mốt tuổi, Sáu Mù cũng đi vào quân đội. Tiểu Ðoàn Chín Nhảy Dù. Và người con gái y mới quen mà thôi ở quận Thượng Ðức - cách đây đã mười năm - mãi mãi vẫn còn trong tâm tưởng như một chiếc bóng đậm mầu. Lúc đơn vị đang tiến chiếm đồi 1062 thì Sáu Mù bị thương ở mắt. Y được trực thăng đưa thẳng về Tổng Y Viện Cộng Hoà. Giữa cái lúc nằm đau xót, mê man trên máy bay, Sáu Mù vẫn cứ nhớ và tiếc một điều: y đã không có dịp để nói với người ta một câu từ tạ, dù là "tạ từ trong đêm!". 
Mắt Sáu Mù được giải phẫu xong đúng bốn ngày thì Sài Gòn thất thủ. Y bị đẩy ra khỏi bệnh viện để dành chỗ cho phe thương binh thắng trận. Sáu Mù vĩnh viễn "giã từ ánh sáng" kể từ lúc đó. Cũng từ đó, không có thêm một người con gái nào lọt được vào đôi mắt trắng giã của y nữa. 
Trong cái bóng đêm dài hết một đời này, thỉnh thoảng, vẫn lóe sáng hình ảnh của hai người đàn bà: người mẹ và người con gái tóc thề mà Sáu Mù chưa kịp hỏi tên ở quận Thường Ðức. Những lúc lần dò, lê la ngoài hè phố hay trên xe buýt như thế này, tự thâm tâm Sáu Mù vẫn vừa mong mỏi, vừa lo sợ một điều: bất ngờ gặp lại được mẹ hay cố nhân. 
Khi bản nhạc chấm dứt thì Sáu Mù không còn thể nào ngăn được nước mắt đã lăn nhẹ trên đôi gò má gầy đến xương của y. Nhiều hành khách khác cũng khóc. Không khí trên xe trầm lắng đến nặng nề. Mọi người đều im lặng, thẫn thờ như họ đang bị thôi miên. Tài xế và lơ xe vẫn thi hành phận sự một cách bình thường, như không có chuyện gì quan trọng xẩy ra, dù nét mặt của cả hai bỗng nghiêm và buồn … thấy rõ!
Ðứa bé bán chuối chiên cẫn trọng gói một trái chuối bự nhất, nhẹ nhàng mang đến đạt vào tay Sáu Mù. Cái cảm giác nong nóng ở tay khiến y biết ngay là có một người nào đó đã động lòng và dấm dúi cho mình một phần lương thực. Sáu Mù không cảm thấy bị xúc phạm, y chỉ càng tủi thân thêm. Mãi đến lúc đó nhiều người mới nhìn thật kỹ Sáu Mù và Bảy Què. 
Họ chợt nhận ra trước mắt mình là hai người thương binh - dù quân phục đã cũ nát, tả tơi và phù hiệu đơn vị đã bạc màu - chứ không phải là những kẻ ăn xin hát dạo như thường thấy. Sáu Mù đã cảm nhận được hết cái không khí thương yêu chia xẻ quanh mình. Y xúc động đến run người. May mắn là sự mù lòa giúp cho y đỡ bối rối hơn là Bảy Què trong lúc này. Bảy Què phải cúi gầm mặt xuống, tránh những ánh mắt chứa chan thiện cảm của những người xung quanh. 
Cảm tình của thính giả làm cho Bảy Què luống cuống. Bần thần một hồi y mới lấy lại được bình tỉnh. Y vội vàng chuyển nhịp, chơi bản "Hội Nghị Diên Hồng":
"Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến? Hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển... Toàn dân Tiên Long, sơn hà nguy biến ! Hận thù đằng đằng nên hòa hay chiến?" 
- Quyết Chiến!. 
Tiếng hô đáp bất ngờ của nhiều người trong xe khiến Bảy Què và Sáu Mù tưởng như có một luồng điện chạy qua người. Không riêng gì hai thằng mà có lẽ là tất cả mọi hành khách đều xúc động mãnh liệt. Sau đó có đến hơn chục người cùng cất cao giọng hát chung với hai thằng. Xe ngừng lai ở một vài trạm kế tiếp, không ai xuống! Lác đác chỉ có người lên. 
Mặc kệ cho những người mới bước lên xe ngơ ngác, Bảy Què, Sáu Mù và nhiều hành khách trên xe cứ hát. Sau khi "chiều" theo mọi người hát đi hát lại bản "Hội Nghị Diên Hồng" đến lần thứ ba, Bảy Què mới chuyển nhịp qua được bản "Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Ðây":
"Nhưng mẹ ơi, giờ đây sao mẹ khóc ? Hai vai gầy run rẩy nát tâm can. Lệ hồng pha Bến Hải nước tràn dâng. Áo nâu nghèo mẹ khóc để phơi thân. Một đàn con giờ quên ơn nuôi dưỡng. Súng đạn cầy tan nát luống quê hương... Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than, xót xa nhiều phương Bắc chiếm phương Nam. Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng than khóc nữa. Vì chúng con của mẹ vẫn còn đây..."
Xe đến Tân Cảng, trạm cuối. Bản nhạc cuối cùng cũng vừa vặn chấm dứt ở đó. Mọi người lục tục xuống xe. Họ đi qua chỗ hai thằng, không quên nhét vội vào túi tụi nó những đồng tiền lẻ. Có người lục tìm mãi túi mình rồi bối rối nhét đại vào áo Sáu Mù một ít... thuốc rê! Hai thằng ngồi sượng sùng đón nhận những câu nói "cảm ơn" nho nhỏ và những đồng tiền, những món quà rơi như mưa vào người mình. Riêng Bảy Què thì không dưng mà chợt nhớ đến cái lúc mà y ngượng ngập, cúi đầu nhận vòng hoa chiến thắng, từ tay của em nữ sinh Trưng Vương, vào một buổi sáng (nào đó) đã xa lắc, xa lơ... .
Trong đám hành khách, có hai người không móc tiền mà cũng không móc thuốc. Họ rút từ trong người ra khẩu K.54 dí vào ót của hai thằng. Cái cảm giác thép lạnh làm Sáu Mù điếng người. Hắn ú ớ lên tiếng hỏi : 
-Làm cái gì vậy ?  -Về đồn rồi biết... 
Bảy Què hốt hoảng :
- Tụi tui làm gì mà bắt chớ ?  -Làm việc cho CIA chống phá cách mạng chứ còn làm gì nữa. 
Ðám đông hiếu kỳ còn đang kinh ngạc, tần ngần, nghe đến mấy chữ "CIA" liền bước nhanh xuống xe, vội vàng tản mát ra xa. Tay phải cầm súng, tay trái nắm cổ áo của Sáu Mù và Bảy Què, hai người đàn ông lực lưỡng lôi hai thằng xuống xe như lôi hai con chó! 
Chuyến xe buýt cuối cùng Tân Cảng - Sài Gòn đã đỗ trạm từ hồi xẩm tối nhưng anh Hai vẫn neo xe chờ Sáu Mù và Bảy Què cho đến tận khuya. Anh biết chắc hai thằng em mình "thua" rồi nhưng vẫn cứ chờ. Làm sao mà bỏ đi liền cho đặng ? 
Ngày xưa khi còn là một hoa tiêu trực thăng anh Hai cũng đã đi đón hụt nhiều chuyến như vậy rồi. Cái cảm giác mất mát lúc mang máy bay về không giữa đêm trường bao la sau khi đón hụt những toán biệt cách không làm cho anh thấy khổ sở và bứt rứt khủng khiếp như bây giờ. 
Hút đến điếu thuốc cuối cùng rồi anh Hai leo lên xe lầm lũi đạp ra hướng sông, sông Sài Gòn. Bờ sông vắng , nước đen, gió lạnh. "Sông đưa người rồi cũng mỏi mòn trông!" Anh Hai lẩm nhẩm một câu thơ chợt len vào trí nhớ, và chưa bao giờ thấy mình cô đơn như vậy. 
Anh nghĩ đến những thằng bạn đồng ngũ còn lận đận ở tận những phương trời xa xôi và tiếp tục lẩm nhẩm:"Tụi nó đều còn nguyên vẹn hết mà đã mười năm rồi, sao không thấy đứa nào quay trở lại. Trận chiến này chưa chấm dứt đâu 
mà …"• 
Tưởng Năng Tiến

September 6, 2009

Người Tù Già Kể Chuyện Mình


Nguyễn Hữu Nhật




Anh chị em ơi
Năm nay tôi gần bảy chục
Bị tù vì yêu tự do
Tự do
Tự do
Tự do

Nhắc mãi trở thành nhàm chán
Nhưng lòng vẫn muốn hô to
Tự do
Tự do
Tự do

Anh chị em ơi
Ðừng hỏi vì sao tôi gầy
Ðôi mắt vẫn là cửa sổ
Mở ra một hồn đắng cay
Cơm ăn mỗi bữa đếm từng hạt
Mộng lớn đêm nào cũng gối tay

Không có ăn thì người ta ngắc ngoải
Không có không khí người ta chết ngay
Không có tự do người ta vẫn sống
Nhưng đời ngựa kéo trâu cầy

Tôi không phải là con tắc kè đổi sắc
Ở gần cây lá thì xanh
Bò trên mặt đất lại đỏ
Giống y như cỏ đuôi chó
Gió chiều nào ngả theo chiều ấy
Còng lưng uốn lưỡi
Sao cho người gật đầu khen ngoan

Tôi cũng chẳng phải là giò lan
Chịu dãi dầu gió sương để thơm ngát hương
Tôi chỉ là người thích ăn cơm
Tôi chỉ là người thích mặc áo
Cơm áo do mình làm ra
Không quỳ không lạy người ta
Ðể áo cơm mình no ấm

Hạnh phúc không phải là người
Cúi hôn chân ai
Ðể được một chút cơm thừa canh cặn
Tôi chỉ muốn làm một ông già
Muốn ho lúc nào thì ho
Tôi không muốn được ăn no
Mà thấy người ta mình chẳng dám ho
Tự do
Tự do
Tự do

Anh chị em ơi
Không hiểu vì sao
Tự nhiên tôi muốn sống
Sống cho ra sống
Còn bây giờ chỉ là tồn tại
Sống mà như chết chưa chôn
Mỗi ngày tuổi già sức yếu
Run chân tay
Ði đứng không ngay
Nhưng tôi hiểu thế nào là sự thẳng thắn
Tự do
Tự do
Tự do

Cái quyền không ai có quyền chiếm đoạt
Cần hơn cả hơi thở
Cần hơn cả hột cơm
Nếu không
Tôi chỉ là con vật

Anh chị em ơi
Tôi xin nói thật
Ðâu phải vì già quá mà tôi không sợ chết
Bất cần đời

Tôi thương nhà tôi lắm
Nước mắt chỉ muốn rơi
Tôi yêu căn phòng
Ở đấy nhà tôi thường nằm khóc
Rồi những tiếng khóc khác vang lên
Tiếng khóc giận hờn của người đàn bà
Ðành yên lặng
Nhường chỗ cho con cháu khóc
Khóc chào đời
Khóc nhớ người
Thương Chúa bị đóng đinh vì người

Anh chị em ơi
Tôi không đủ chữ nghĩa
Nên thư nào gửi nhà tôi cũng ngắn
Mình cứ tin tôi
Nơi nào có thể đứng được thì không ngồi
Nơi nào có thể đi được thì không đứng
Hãy đứng dậy anh chị em ơi
Làm việc tốt không bao giờ muộn cả
Hãy bay đi về phía mặt trời
Bằng trái tim ta rực lửa

Vấn đề không phải là can đảm
Mà vì mục đích làm cho ta can đảm
Nếu mục đích không xứng đáng
Thì sự can đảm chỉ làm cho người ta kinh ngạc
Thay vì khâm phục

Anh chị em ơi
Làm sao chúng ta có thể trả lời cho con cháu
Ngày mai
Về một câu hỏi rất giản dị
Sống để làm gì?
Nếu chính chúng ta hôm nay
Không biết làm gì để sống



Ðất nước chúng ta vốn là một chiếc nôi
Nơi mà mọi lòng hòa thuận đều vui sống
Tại sao hôm nay chúng ta không được sống
Khóc hay cười
Câm hay nói
Ðều theo lệnh một vài người
Anh chị em ơi
Im lặng lâu dần hóa ra ngu
Gần bảy chục năm nay tôi đã im lặng
Tưởng im lặng là khinh bỉ
Có biết đâu vì sợ hãi nên câm
Vì cầu an tôi đã xoay lưng lại sự thật
Làm ra vẻ đạo đức khinh đời
Giữa lúc người ta cố tình gieo sương mù vào trí tuệ con người
Ðang bị cảnh túng thiếu cô đơn đè nén
Trùm lên đầu con người những mắt xích
Của sự dốt nát
Sống bằng sợ hãi
Ðể phục tùng tội ác

Anh chị em ơi
Có đêm anh bạn kể chuyện
Nói về ông Ma-ki-a-ven, a - viết gì đó
Bảo: Khi người ta chặt đầu người
Cái đầu còn quay lại cám ơn mãi không thôi
Thế mới là làm chính trị
Tôi ít học quá nên không kịp suy nghĩ
Lòng bỗng đau như người cha nghe tin con gái
Phải làm đĩ để nuôi em
Ðã có bao nhiêu người như thế nhỉ?
Cám ơn ma quỷ đời đời

Có thể không bao giờ tôi mở
Nhưng căn phòng của tôi phải có cửa sổ
Có thể tôi không dùng đến
Nhưng đời tôi phải có tự do
Tự do
Tự do
Tự do
Hãy bắt đầu bằng việc
Không để ai suy nghĩ giùm mình

Anh chị em ơi
Tôi còn một điều nữa thôi
Chúng ta bực mình khi thấy người khác lục lọi đồ đạc của mình
Có lý nào chúng ta lại làm thinh
Khi người ta lục lọi một thứ
Quý hơn cả đồ đạc
Quý hơn cả tự do
Ðó là tâm hồn con người!
Tự do
Tự do
Tự do

Tại sao tôi lại khóc
Có phải vì củ sắn nướng chiều nay
Chưa kịp chín
Mà lòng đói quá cứ bâng khuâng
Hay nỗi nhớ thương bạn bè
Ðã làm khổ tôi cả buổi chiều nay
Khi đi qua vũng lội
Thấy bóng tóc mình mây trắng bay

Phải nói cho con cháu biết
Phải nói cho con cháu hay
Tự do hay là chết
Chết hay là tự do.


Nguyễn Ðình Toàn
(Chép theo trí nhớ)

September 5, 2009

Quân tử Tầu và quân tử ta

Tưởng Năng Tiến

Quân tử có thương thì đóng cọc.
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.

Cứ theo quan niệm giản dị của bà Hồ Xuân Hương thì hễ có cọc, và đóng được, là (tính như) quân tử. Mấy chi tiết lẻ tẻ khác như tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều là chuyện nhỏ, và (e) chỉ là… đồ bỏ!

Bằng vào tiêu chuẩn rất tới (và cũng rất nới) này của nữ sĩ, đương nhiên, tôi được coi là lưỡng quốc quân tử: quân tử ta, và quân tử Tầu. Ai cũng nói tôi là dân Tầu lai, hay người Việt gốc Tầu mà.

Và không phải xứ sở nào cũng có cái may mắn, cũng như vinh dự, sản xuất ra được quân tử đâu nha. Làm gì có quân tử Uganda, quân tử Nga, quân tử Phú Lãng Xa, quân tử Ma Rốc, quân tử Mễ Tây Cơ, quân tử Ba Lan, quân tử Mỹ, quân tử Úc, quân tử Nam Dương, hay quân tử Ấn Độ?

Những nước đồng văn (hoá) với Trung Hoa – như Nhật Bản, Đại Hàn – cũng chả hề sản xuất ra được một chú quân tử Lùn, hay quân tử Củ Sâm (Cao Ly) nào cả. Còn đám láng giềng (lóc nhóc) thì khỏi cần nhắc đến làm chi, cho má nó khi. Có nghe ai nói tới quân tử Lào, quân tử Thái, quân tử Miên, hay quân tử Miến… bao giờ đâu – đúng không?

Tóm lại: quân tử là của hiếm – và là hàng độc – chỉ tìm được ở ta, hoặc ở Tầu. Còn đến cỡ như lưỡng quốc quân tử thì (ôi thôi) hiếm hoi và quí hoá không biết đến đâu mà nói.

Khối bà, khối cô chỉ (thầm) mong cho chồng – sau một đêm dài – sáng thức dậy bỗng biến ngay thành Tưởng Năng Tiến. Nếu không được vậy thì thành Tưởng Năng Thối cũng … tốt (thôi) miễn là có cái gốc Tầu, để có thể mệnh danh là lưỡng quốc quân tử – y như vị thế (giá trị) của tôi, hiện tại.

Có điều, tưởng cũng nên nói cho rõ: tôi tuy có thế nhưng lại sinh bất phùng thời, ra đời vào thời cách mạng. Ở thời buổi nhiễu nhương này, quân tử ở ta, cũng như ở Tầu, bị thiên hạ càu nhàu dữ lắm.

Mới đây, hay nói chính xác hơn là vào ngày 24 tháng 8 năm 2009, trên diễn đàn talawas, ông Phạm Toàn có đôi lời phàn nàn (hoặc nói đúng hơn là chì chiết) như sau:

“… bà Rebiya Kadeer, một phụ nữ Tân Cương, tuy đã được thả ra khỏi nhà tù và lưu vong ra tới nước ngoài rồi, ấy vậy mà vẫn còn bị chư vị quân tử của ‘cố quốc’ đuổi theo dọa nạt. Họ còn dọa nạt cả chính quyền nước chủ nhà đang đón tiếp bà Kadeer…”

“Các nhà điện ảnh đã làm một bộ phim tài liệu về bà Kadeer, và họ mời bà qua Úc, đến tận thành phố Melbourn dự liên hoan. Chính quyền của các bậc ‘quân tử’ đã hành xử thế nào? Có năm việc điển hình cho hành vi của các bậc quân tử có thể kể ra ở đây:”

“một, gọi bà Kadeer là ‘kẻ khủng bố’, và quy cho bà ngồi ở nước ngoài để chỉ đạo cuộc nổi dậy của dân Tân Cương hồi tháng 7-2009 vừa rồi;

“hai, gây ra một vụ xì-căng-đan có tên gọi là gián điệp thương mại và kinh tế và cho tóm luôn người đại diện của hãng Nhôm Rio Tinto của Úc đang thương thảo buôn bán với Trung Quốc;

“ba, yêu cầu chính phủ Úc không cho bà Kadeer vào Úc tham gia liên hoan phim mà bà là một nhân vật quan trọng của cuộc vui đó;

“bốn, yêu cầu chính phủ Úc không cho bà Kadeer phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí; và

“năm, huy động các đồng chí Hoa kiều (yêu nước) đang sống ở Úc tiến hành chống phá các hoạt động của bà Kadeer ngay trên đất nước đang cho họ tá túc.

“Việc gọi bà Kadeer là kẻ khủng bố là một hành vi rẻ tiền, nhưng các ông quân tử vẫn cứ sử dụng, họ chẳng thấy chuyện đó có gì đáng hổ thẹn cả…”

Cách hành xử của quân tử Tầu, rõ ràng, có hơi (bị) tiểu nhân. Tư cách của đám quân tử ta, xem ra, cũng không khác mấy – theo như lời than phiền của ông Hà Sĩ Phu, trong bài tiểu luận “Chia tay ý thức hệ”:

“Nếu những phạm trù NHÂN,THIỆN, ĐỨC còn mang tính lý tưởng, hoặc còn chung chung, trừu tượng, thì phạm trù QUÂN TỬ đưa thiện-ác vào tới con người cụ thể, tới tình huống cụ thể,thái độ ứng xử cụ thể. Mỗi tình huống ấy là một cuộc thử thách quyết liệt : anh nói anh ‘thiện’, anh ‘đạo đức’ thì anh thể hiện ra đi, quyết định lấy một thái độ ứng xử đi ; hoặc là hành động một cách QUÂN TỬ, hoặc là hành động một cách TIỂU NHÂN!“

“Những bài học về QUÂN TỬ thiết thực lắm. QUÂN TỬ rất gần với TRƯỢNG PHU và THƯỢNG VÕ. Người ta thua trận,người ta nằm trong tay anh rồi, anh làm gì người ta cũng phải chịu, thì anh sẽ đối xử thế nào? Hoặc là anh học người xưa, đem tất cả sổ sách thù hận đốt đi để coi nhau như anh em, hay anh lục đống hồ sơ cũ ra, bới lông tìm vết để phân biệt đối xử ?”

Cái gì chứ “lục lọi,” hay “bới lông tìm vết,” hoặc “phân biệt đối xử” thì quân tử ta (bảo đảm, hay đảm bảo) là lúc nào cũng làm tới nơi, tới chốn. Bởi vậy, hàng triệu gia đình (thuộc phe “thua trận”) đã phải liều mạng đâm sầm ra biển – ù té, bỏ của chạy lấy người. Chết đuối, chết trôi, chết chìm, chết sông, chết biển, chết dấm, chết dúi, chết bụi, chết bờ – tất nhiên – vô số.

Số còn lại lóp ngóp bò đến được những bến bờ xa lạ, hay những hải đảo xa xôi, thuộc những nước láng giềng. Họ được gọi là thuyền nhân và được đa phần nhân loại mở rộng vòng tay, nồng nhiệt đón chào, tạo cho cơ hội làm lại cuộc đời – rải rác khắp năm châu.

Trang sử thuyền nhân tuy đã được lật qua (vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX) nhưng những kẻ đi tị nạn, và đã thoát nạn, vẫn nhớ về chốn cũ – nơi đã cho họ một chỗ nương thân, giữa lúc đang bơ vơ giữa mênh mông trời cao và biển rộng. Tạp chí Thế kỷ 21 (số phát hành từ California, tháng 7 năm 2005) có bài viết của nhà báo Phạm Phú Minh, về vấn đề này – xin được ghi lại vài đoạn ngắn:

“… nhiều phái đoàn người Việt Nam tị nạn cộng sản từ khắp thế giới đã mở những cuộc ‘hành hương’ về những bến bờ đã đón tiếp mình từ tay biển cả trong các cuộc vượt biên xưa. Và như một cử chỉ cụ thể để tỏ lòng biết ơn các quốc gia đã cứu vớt mình, người Việt tị nạn cộng sản đã xin phép chính quyền sở tại đặt những tấm bia kỷ niệm tại nơi ngày xưa đã là trại tạm trú đầu tiên của những người đặt chân lên được đất sống.”

“Với tấm lòng có trước có sau, người tị nạn chỉ ghi lại những lời tri ân hay lời tưởng niệm, là những thứ người ta nghĩ là có thể tồn tại với thời gian vì ý nghĩa nhân bản phi chính trị nhất thời của nó. Chẳng hạn lời dịch sau đây từ tấm bia viết bằng tiếng Anh, dựng trên đảo Bidong thuộc tỉnh Terengganu thuộc nước Mã Lai Á vào tháng Ba 2005:

“Tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt đã thiệt mạng trên đường tìm tự do (1975-1996). Dù họ đã chết vì đói, khát, bị hãm hiếp, bị kiệt sức hoặc vì một nguyên nhân nào khác, chúng ta cầu xin rằng họ bây giờ được hưởng yên bình vĩnh cửu. Sự hy sinh của họ không bao giờ bị quên lãng. Các cộng đồng người Việt hải ngoại, 2005.”

Và những dòng chữ mặt bia bên kia:

“Để nhớ ơn những nỗ lực của Phủ Cao Ủy tị nan Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tự Quốc Tế và Hội Lưỡi Liềm Đỏ Malaysia và các tổ chức cứu trợ quốc tế khác, chính phủ và nhân dân Malaysia cùng các quốc gia đã cung cấp nơi tạm trú đầu tiên cũng như nơi tái định cư. Chúng tôi cũng xin bày tỏ tri ân đến hàng nghìn cá nhân khác từng làm việc hết mình để giúp đỡ người tị nạn Việt Mam. Các Cộng Đồng người Việt Hải Ngoại”

Cùng thời điểm này, BBC (nghe được vào hôm 17 tháng 6 năm 2005) loan tin:

“Tấm bia trong trại tị nạn cũ ở Pulau Galang, Indonesia, có ghi những dòng chữ tưởng nhớ những người bỏ mạng trên đường vượt biển và ghi ân những ai giúp đỡ thuyền nhân, đã bị đục bỏ… Chính phủ Malaysia cũng đã ra lệnh dẹp bỏ tượng đài trên đảo Bidong tưởng niệm các thuyền nhân đã bỏ mình trên đường vượt biển trong thập niên 70, 80. Chính phủ Malaysia đã có quyết định này sau khi nhận được than phiền từ chính phủ Việt Nam.”

Bia tưởng niệm thuyền nhân ỏ Galang, sau khi đã bị đục bỏ: nguồn Văn Khố Thuyền Nhân
Bia tưởng niệm thuyền nhân ỏ Galang, sau khi đã bị đục bỏ: nguồn Văn Khố Thuyền Nhân

Ủa, chớ chính phủ Việt Nam than phiền về chuyện gì vậy cà?

Bản tin thượng dẫn không ghi lại chi tiết này. Tuy thế, dù không phải là thầy bói, người ta cũng có thể đoán biết được rằng lời than phiền của họ (hoàn toàn) không dễ nghe, và (chắc chắn) cũng không được “quân tử” gì cho lắm!

Câu chuyện thời sự hôm nay, nếu ngừng ngang đây, tưởng đã đủ ớn chè đậu, và có thể khiến cho lắm kẻ tiểu nhân (cũng) còn phải cau mày. Sự việc, tiếc thay, đã đi xa hơn như thế.

Nhật báo Jakarta Post, số ra ngày 01 tháng 8 năm 2009, vừa có bài viết (“Vietnamese Refugee Camp Still Open’) đề cập đến yêu sách đóng cửa trại tỵ nạn (Galang) của nhà đương cuộc Hà Nội. Quí vị quân tử ta (rõ ràng) đã đi … xa quá. Sự quá quắt của họ khiến cho thiên hạ phải bất bình, hay phẫn nộ.

Bài báo thượng dẫn trích lời bà Nada Faza Soraya – Chánh sự vụ Phòng Thương mại của Nam Dương – nói rằng khu trại rất quan trọng đối với hướng dẫn viên du lịch, và họ không hề có ý muốn khai thác quá khứ đen tối của chính phủ Việt Nam. (“There was no intention of exploiting the gloomy past of Vietnamese gorvernment”).

Từ Galang, phóng viên Hồng Nga của BBC có bài tường thuật (nghe được vào ngày 5 tháng 8 năm 2009) về sự việc này. Xin được trích dẫn vài điểm chính:

“Hai thập niên hiện diện của người Việt tại đây khiến thông tin trại có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn, ngừng đón người tới thăm khiến người dân địa phương ngỡ ngàng.”

“Lý do chính là từ khi ngừng hoạt động, trại tỵ nạn Galang cũ đã trở thành một địa chỉ du lịch khá phổ biến, mang lại thu nhập cho người bản địa.”

“Dư luận địa phương bày tỏ bất bình, trong khi có cáo buộc chính phủ Việt Nam đã gây áp lực với Jakarta để làm công việc này.”

Ông Trần Đông, đại diện tổ chức Văn khố Thuyền nhân Việt Nam cũng đã lên tiếng chỉ trích yêu sách của quân tử ta là “âm thầm xóa bỏ dấu vết tội ác, hủy hoại di tích lịch sử và nhân đạo thế giới.”

Ký giả Bùi Bảo Trúc thì lớn tiếng thoá mạ:” Càng ngày những việc chúng mày làm, và những việc chúng mày không dám làm, đều cho thấy chúng mày là một bọn chó đẻ không hơn không kém.”

Ý chèng ơi, sao mà nặng lời (với nhau) dữ vậy? Ở vào cái thế lưỡng quốc quân tử, tôi không tiện bênh ai, cũng không thể bỏ ai. Bởi há miệng (sợ) mắc quai nên tôi chỉ trộm nghĩ rằng: quân tử ta – xét cho cùng – đỡ (chó) hơn quân tử Tầu, chút xíu.

Trong vụ Tân Cương, theo lời ông Nguyễn Quang Duy – đọc được trên talawas, vào ngày 24 tháng 8 năm 2009 – đám con bà Rebiya Kadeer (còn kẹt lại ở Trung Quốc) đã bị buộc phải lên đài truyền hình, của lể bên phải, để nhận tội … thay cho mẹ!

Cách hành xử của quân tử ta, xem ra, đỡ tiểu nhân hơn chớ. Ở ta, ai bị bắt thì chính kẻ đó sẽ bị đưa lên TV nhận tội. Không có, hay chưa có, cái vụ con cái (phải) nhận tội thay cho cha hay mẹ – như ở bên Tầu.

Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt: nếu phải từ bỏ song tịch, và buộc phải lựa chọn giữa quân tử ta và quân tử Tầu thì tôi sẽ xin về … tắm (ở) ao ta – cho nó chắc ăn. Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn. Nó hơn ở chỗ là khi tức, chửi thề bú xua còn có thằng nghe. Chớ (đ… mẹ) văng tục um xùm mà đám quân tử lạ cứ nghệch mặt ra – không hiểu gì ráo trọi – thì đứa bị tức là mình, chớ đâu phải tụi nó – đúng không? Mà bộ hết đứa chơi rồi sao mà đi chơi với Tầu, mấy cha!

Tưởng Năng Tiến