September 4, 2009

Hiện thân xã hội dân sự và bóng ma quyền lực



Hiện thân xã hội dân sự và bóng ma quyền lực

Công Minh
Cách đây khoảng 25 năm, chúng ta còn rất dè dặt khi nói đến: Kinh tế thị trường. Thời đấy tôi và bạn bè trang lứa chỉ được nghe các cụm từ: Kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế mới, hợp tác xã, nông trường v.v, đặc biệt là khẩu hiệu "Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu". Những khẩu hiệu “tốt đẹp” ấy đã bị quy luật khách quan đẩy lùi vào quá khứ. Đứng trước sự tôn vong của chế độ, Nhà nước đã buộc phải thừa nhận "nền kinh tế thị trường" vào năm 1986. Mặt dù thừa nhận sự sai lầm, công nhận "nền kinh tế thị trường" là con đường duy nhất để vực dậy nền kinh tế, nhưng Nhà nước vẫn không từ bỏ tham vọng can thiệp vào quy luật khách quan. Cho nên nền Kinh tế thị trường vẫn mang trên mình gánh nặng Xã hội chủ nghĩa. Từ đó một thuật ngữ nghe rất lạ tai đã ra đời: "Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Nói như những người Marxist: "Hạ tầng cơ sở thay đổi kéo theo sự thay đổi ở thượng tầng kiến trúc": Khi đã một phần chấp nhận nền kinh tế thị trường thì Nhà nước bất đầu thừa nhận Mô hình nhà nước pháp quyền vào cuối thập kỉ 80 và đầu 90. Cũng giống như "Kinh tế thị trường", mô hình nhà nước pháp quyền vẫn không thoát khỏi "Bóng ma quyền lực xã hội chủ nghĩa". Suốt thập kỉ 90 Nhà nước pháp quyền là đề tài của rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu và hội thảo. Nếu như chỉ dừng lại ở mức độ đơn thuần là tư tưởng, là mộ hình tổ chức quyền lực nhà nước thì việc nghiên cứu và tìm hiểu ở mặt lý luận và thực tiễn sẽ dễ dàng hơn nhiều. Vấn đề ở đây là các nhà lý luận, các nhà học thuật phải đi tìm cơ sở lý luận và thực tiễn cho mô hình mà Nhà nước gọi là: "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Điều này là không thể, đơn giản vì về mặt lý luận nội hàm của khái niệm "Nhà nước pháp quyền" hoàn toàn đối lập với nội hàm trong khái niệm "Nhà nước xã hội chủ nghĩa". Về mặt thực tiễn không thể tồn tại một mô hình nhà nước pháp quyền mà ở đó quyền lực nằm trong tay một đảng lãnh đạo và đứng trên pháp luật.

Khi thừa nhận nền Kinh tế thị trường và mô hình Nhà nước pháp quyền, mặt dù nửa vời, Nhà nước đã phải nhìn nhận sự ra đời của các tổ chức xã hội dân sự như một quy luật tất yếu.

Xã hội dân sự không phải là đề tài mới nhưng mãi đến đầu thế kỉ 21 mới thực sự được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Khi nói đến Xã hội dân sự người ta nghĩ ngay đến "tính phi nhà nước" của nó. Tính phi nhà nước vừa là đặc trưng vừa là một trong những nhu cầu của xã hội dân sự. Nhu cầu: "không muốn nhà nước can thiệp" đã dẫn tới sự liên kết tập thể của cộng đồng dựa trên cơ sở tự nguyện.

Trước đây, một thời gian dài Nhà nước rất "dị ứng" với Xã hội dân sự. Họ cho rằng: "Tính phi nhà nước đồng nghĩa với việc chống lại Nhà nước" và cần phải có "Bóng dáng nhà nước" trong các tổ chức xã hội. Từ đó hình thành các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận tổ quốc, Liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh v.v…, tất cả đều nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Bóng ma quyền lực đã chui sâu vào trong các tổ chức này, biến nó thành cánh tay nối dài của Nhà nước. Vai trò xã hội của các tổ chức này bị mất dần và trở thành tổ chức chính trị.

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu hình thành các tổ chức xã hội càng nhiều, như Hiệp hội bất động sản, Hiệp hội thủy sản, Hiệp hội điêu khắc, Tổ chức cứu trợ, v.v… Không thể duy trì quyền lực của mình trong nhiều tổ chức xã hội như vậy, Nhà nước bắt đầu nghĩ đến cách kiểm soát bằng công cụ pháp luật. Luật Lập Hội ra đời, trong đó nhà nước quy định rất khó về điều kiện thành lập hội. Một rừng thủ tục được đặt ra để kiểm soát quá trình thành lập và hoạt động của các hội.

Thế nhưng, sự hình thành các tổ chức xã hội là một đòi hỏi khách quan mà không có giới hạn nào của pháp luật có thể khống chế được. Cùng với tiến bộ khoa học, và mạng Internet ,thế giới của những người viết blog ra đời. Chỉ trong vài năm số lượng người lập và viết blog đã tăng lên một cách đột biến. Có thể nói thế giới của những người viết blog là một thế giới hết sức tự do. Ở đó, các bloggers tự do trao đổi và trình bày ý kiến của mình, viết đúng những gì mà họ đã nghĩ. Ở diện hẹp, "Thế giới blog" đã phản ánh nhu cầu hết sức căn bản của một cá nhân blogger, đó là nói lên những gì đã nghĩ, viết những gì mình muốn. Ở diện rộng "Thế giới blog" đã phản ánh một nhu cầu khách quan của xã hội, đó là nhu cầu về tự do ngôn luận. Các cơ chế pháp luật và các phương tiện truyền thông của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu này thì việc hình thành "Thế giới blog" là một quy luật tất yếu.

Tôi nhìn thấy "Thế giới blog" như hiện thân của một Xã hội dân sự đặc trưng, mang đầy đủ thuộc tính của một Xã hội dân sự:

- "Thế giới blog" hình thành trên cơ sở tự nguyện của từng blogger và dự trên quyền lợi căn bản giống nhau đó là: "Quyền bày tỏ chính kiến".

- "Thế giới blog" không cần cũng như không mong muốn sự can thiệp của Nhà nước.

- "Thế giới blog" không tranh giành quyền lực với Nhà nước.

- "Thế giới blog " thể hiện rất rõ vai trò "Phản biện xã hội" của mình, đó là phản ánh nhu cầu của Xã hội về Quyền tự do ngôn luận.

Tôi cũng nhìn thấy các cuộc "Cầu nguyện tập thể" ở các nhà thờ nhà Thái Hà, Tam Tòa như đòi hỏi về một Xã hội dân sự. Ở đó:

-Linh mục và các giáo dân cầu nguyện trên cơ sở tự nguyện và dựa vào quyền lợi căn bản đó là: "Quyền tự do tín ngưỡng"

- Các buổi cầu nguyện không muốn có sự can thiệp của Nhà Nước.

- Các linh mục và giáo dân cầu nguyện để mong các đạt được khát vọng của mình chứ không nhằm "lật đổ" Nhà nước.

-Các buổi cầu nguyện đã phản ánh một nhu cầu có thực: "Nhu cầu về tín ngưỡng".

Cũng giống như các tổ chức xã hội khác, "Thế giới blog" hay các buổi "Cầu nguyện tập thể" không thoát khỏi bóng ma của quyền lực. Gần đây một số giáo dân khi đi cầu nguyện đã bị quy kết về tội "Gây rối trật tự công cộng". Một số blogger bị phạt vì "Vi phạm công nghệ thông tin", bị khám xét nhà vì viết bài về Hoàng Sa -Trường Sa, bị mất việc, cá biệt có người bị tạm giam, tạm giữ.

Mặc dù không được Nhà nước thừa nhận hay bị kiểm soát chặt chẽ thì cũng không thể phủ nhận được vai trò phản biện của các Tổ chức xã hội. Sự hình thành và phát triển của nhiều Tổ chức xã hội đã góp phần đẩy lùi bóng ma Quyền lực nhà nước, qua đó tạo tiền đề cho một Xã hội dân chủ thật sự.