Tưởng Năng Tiến
Quân tử có thương thì đóng cọc.
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.
Cứ theo quan niệm giản dị của bà Hồ Xuân Hương thì hễ có cọc, và đóng được, là (tính như) quân tử. Mấy chi tiết lẻ tẻ khác như tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ đều là chuyện nhỏ, và (e) chỉ là… đồ bỏ!
Bằng vào tiêu chuẩn rất tới (và cũng rất nới) này của nữ sĩ, đương nhiên, tôi được coi là lưỡng quốc quân tử: quân tử ta, và quân tử Tầu. Ai cũng nói tôi là dân Tầu lai, hay người Việt gốc Tầu mà.
Và không phải xứ sở nào cũng có cái may mắn, cũng như vinh dự, sản xuất ra được quân tử đâu nha. Làm gì có quân tử Uganda, quân tử Nga, quân tử Phú Lãng Xa, quân tử Ma Rốc, quân tử Mễ Tây Cơ, quân tử Ba Lan, quân tử Mỹ, quân tử Úc, quân tử Nam Dương, hay quân tử Ấn Độ?
Những nước đồng văn (hoá) với Trung Hoa – như Nhật Bản, Đại Hàn – cũng chả hề sản xuất ra được một chú quân tử Lùn, hay quân tử Củ Sâm (Cao Ly) nào cả. Còn đám láng giềng (lóc nhóc) thì khỏi cần nhắc đến làm chi, cho má nó khi. Có nghe ai nói tới quân tử Lào, quân tử Thái, quân tử Miên, hay quân tử Miến… bao giờ đâu – đúng không?
Tóm lại: quân tử là của hiếm – và là hàng độc – chỉ tìm được ở ta, hoặc ở Tầu. Còn đến cỡ như lưỡng quốc quân tử thì (ôi thôi) hiếm hoi và quí hoá không biết đến đâu mà nói.
Khối bà, khối cô chỉ (thầm) mong cho chồng – sau một đêm dài – sáng thức dậy bỗng biến ngay thành Tưởng Năng Tiến. Nếu không được vậy thì thành Tưởng Năng Thối cũng … tốt (thôi) miễn là có cái gốc Tầu, để có thể mệnh danh là lưỡng quốc quân tử – y như vị thế (giá trị) của tôi, hiện tại.
Có điều, tưởng cũng nên nói cho rõ: tôi tuy có thế nhưng lại sinh bất phùng thời, ra đời vào thời cách mạng. Ở thời buổi nhiễu nhương này, quân tử ở ta, cũng như ở Tầu, bị thiên hạ càu nhàu dữ lắm.
Mới đây, hay nói chính xác hơn là vào ngày 24 tháng 8 năm 2009, trên diễn đàn talawas, ông Phạm Toàn có đôi lời phàn nàn (hoặc nói đúng hơn là chì chiết) như sau:
“… bà Rebiya Kadeer, một phụ nữ Tân Cương, tuy đã được thả ra khỏi nhà tù và lưu vong ra tới nước ngoài rồi, ấy vậy mà vẫn còn bị chư vị quân tử của ‘cố quốc’ đuổi theo dọa nạt. Họ còn dọa nạt cả chính quyền nước chủ nhà đang đón tiếp bà Kadeer…”
“Các nhà điện ảnh đã làm một bộ phim tài liệu về bà Kadeer, và họ mời bà qua Úc, đến tận thành phố Melbourn dự liên hoan. Chính quyền của các bậc ‘quân tử’ đã hành xử thế nào? Có năm việc điển hình cho hành vi của các bậc quân tử có thể kể ra ở đây:”
“một, gọi bà Kadeer là ‘kẻ khủng bố’, và quy cho bà ngồi ở nước ngoài để chỉ đạo cuộc nổi dậy của dân Tân Cương hồi tháng 7-2009 vừa rồi;
“hai, gây ra một vụ xì-căng-đan có tên gọi là gián điệp thương mại và kinh tế và cho tóm luôn người đại diện của hãng Nhôm Rio Tinto của Úc đang thương thảo buôn bán với Trung Quốc;
“ba, yêu cầu chính phủ Úc không cho bà Kadeer vào Úc tham gia liên hoan phim mà bà là một nhân vật quan trọng của cuộc vui đó;
“bốn, yêu cầu chính phủ Úc không cho bà Kadeer phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí; và
“năm, huy động các đồng chí Hoa kiều (yêu nước) đang sống ở Úc tiến hành chống phá các hoạt động của bà Kadeer ngay trên đất nước đang cho họ tá túc.
“Việc gọi bà Kadeer là kẻ khủng bố là một hành vi rẻ tiền, nhưng các ông quân tử vẫn cứ sử dụng, họ chẳng thấy chuyện đó có gì đáng hổ thẹn cả…”
Cách hành xử của quân tử Tầu, rõ ràng, có hơi (bị) tiểu nhân. Tư cách của đám quân tử ta, xem ra, cũng không khác mấy – theo như lời than phiền của ông Hà Sĩ Phu, trong bài tiểu luận “Chia tay ý thức hệ”:
“Nếu những phạm trù NHÂN,THIỆN, ĐỨC còn mang tính lý tưởng, hoặc còn chung chung, trừu tượng, thì phạm trù QUÂN TỬ đưa thiện-ác vào tới con người cụ thể, tới tình huống cụ thể,thái độ ứng xử cụ thể. Mỗi tình huống ấy là một cuộc thử thách quyết liệt : anh nói anh ‘thiện’, anh ‘đạo đức’ thì anh thể hiện ra đi, quyết định lấy một thái độ ứng xử đi ; hoặc là hành động một cách QUÂN TỬ, hoặc là hành động một cách TIỂU NHÂN!“
“Những bài học về QUÂN TỬ thiết thực lắm. QUÂN TỬ rất gần với TRƯỢNG PHU và THƯỢNG VÕ. Người ta thua trận,người ta nằm trong tay anh rồi, anh làm gì người ta cũng phải chịu, thì anh sẽ đối xử thế nào? Hoặc là anh học người xưa, đem tất cả sổ sách thù hận đốt đi để coi nhau như anh em, hay anh lục đống hồ sơ cũ ra, bới lông tìm vết để phân biệt đối xử ?”
Cái gì chứ “lục lọi,” hay “bới lông tìm vết,” hoặc “phân biệt đối xử” thì quân tử ta (bảo đảm, hay đảm bảo) là lúc nào cũng làm tới nơi, tới chốn. Bởi vậy, hàng triệu gia đình (thuộc phe “thua trận”) đã phải liều mạng đâm sầm ra biển – ù té, bỏ của chạy lấy người. Chết đuối, chết trôi, chết chìm, chết sông, chết biển, chết dấm, chết dúi, chết bụi, chết bờ – tất nhiên – vô số.
Số còn lại lóp ngóp bò đến được những bến bờ xa lạ, hay những hải đảo xa xôi, thuộc những nước láng giềng. Họ được gọi là thuyền nhân và được đa phần nhân loại mở rộng vòng tay, nồng nhiệt đón chào, tạo cho cơ hội làm lại cuộc đời – rải rác khắp năm châu.
Trang sử thuyền nhân tuy đã được lật qua (vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX) nhưng những kẻ đi tị nạn, và đã thoát nạn, vẫn nhớ về chốn cũ – nơi đã cho họ một chỗ nương thân, giữa lúc đang bơ vơ giữa mênh mông trời cao và biển rộng. Tạp chí Thế kỷ 21 (số phát hành từ California, tháng 7 năm 2005) có bài viết của nhà báo Phạm Phú Minh, về vấn đề này – xin được ghi lại vài đoạn ngắn:
“… nhiều phái đoàn người Việt Nam tị nạn cộng sản từ khắp thế giới đã mở những cuộc ‘hành hương’ về những bến bờ đã đón tiếp mình từ tay biển cả trong các cuộc vượt biên xưa. Và như một cử chỉ cụ thể để tỏ lòng biết ơn các quốc gia đã cứu vớt mình, người Việt tị nạn cộng sản đã xin phép chính quyền sở tại đặt những tấm bia kỷ niệm tại nơi ngày xưa đã là trại tạm trú đầu tiên của những người đặt chân lên được đất sống.”
“Với tấm lòng có trước có sau, người tị nạn chỉ ghi lại những lời tri ân hay lời tưởng niệm, là những thứ người ta nghĩ là có thể tồn tại với thời gian vì ý nghĩa nhân bản phi chính trị nhất thời của nó. Chẳng hạn lời dịch sau đây từ tấm bia viết bằng tiếng Anh, dựng trên đảo Bidong thuộc tỉnh Terengganu thuộc nước Mã Lai Á vào tháng Ba 2005:
“Tưởng nhớ hàng trăm ngàn người Việt đã thiệt mạng trên đường tìm tự do (1975-1996). Dù họ đã chết vì đói, khát, bị hãm hiếp, bị kiệt sức hoặc vì một nguyên nhân nào khác, chúng ta cầu xin rằng họ bây giờ được hưởng yên bình vĩnh cửu. Sự hy sinh của họ không bao giờ bị quên lãng. Các cộng đồng người Việt hải ngoại, 2005.”
Và những dòng chữ mặt bia bên kia:
“Để nhớ ơn những nỗ lực của Phủ Cao Ủy tị nan Liên Hiệp Quốc, Hồng Thập Tự Quốc Tế và Hội Lưỡi Liềm Đỏ Malaysia và các tổ chức cứu trợ quốc tế khác, chính phủ và nhân dân Malaysia cùng các quốc gia đã cung cấp nơi tạm trú đầu tiên cũng như nơi tái định cư. Chúng tôi cũng xin bày tỏ tri ân đến hàng nghìn cá nhân khác từng làm việc hết mình để giúp đỡ người tị nạn Việt Mam. Các Cộng Đồng người Việt Hải Ngoại”
Cùng thời điểm này, BBC (nghe được vào hôm 17 tháng 6 năm 2005) loan tin:
“Tấm bia trong trại tị nạn cũ ở Pulau Galang, Indonesia, có ghi những dòng chữ tưởng nhớ những người bỏ mạng trên đường vượt biển và ghi ân những ai giúp đỡ thuyền nhân, đã bị đục bỏ… Chính phủ Malaysia cũng đã ra lệnh dẹp bỏ tượng đài trên đảo Bidong tưởng niệm các thuyền nhân đã bỏ mình trên đường vượt biển trong thập niên 70, 80. Chính phủ Malaysia đã có quyết định này sau khi nhận được than phiền từ chính phủ Việt Nam.”
Bia tưởng niệm thuyền nhân ỏ Galang, sau khi đã bị đục bỏ: nguồn Văn Khố Thuyền Nhân
Bia tưởng niệm thuyền nhân ỏ Galang, sau khi đã bị đục bỏ: nguồn Văn Khố Thuyền Nhân
Ủa, chớ chính phủ Việt Nam than phiền về chuyện gì vậy cà?
Bản tin thượng dẫn không ghi lại chi tiết này. Tuy thế, dù không phải là thầy bói, người ta cũng có thể đoán biết được rằng lời than phiền của họ (hoàn toàn) không dễ nghe, và (chắc chắn) cũng không được “quân tử” gì cho lắm!
Câu chuyện thời sự hôm nay, nếu ngừng ngang đây, tưởng đã đủ ớn chè đậu, và có thể khiến cho lắm kẻ tiểu nhân (cũng) còn phải cau mày. Sự việc, tiếc thay, đã đi xa hơn như thế.
Nhật báo Jakarta Post, số ra ngày 01 tháng 8 năm 2009, vừa có bài viết (“Vietnamese Refugee Camp Still Open’) đề cập đến yêu sách đóng cửa trại tỵ nạn (Galang) của nhà đương cuộc Hà Nội. Quí vị quân tử ta (rõ ràng) đã đi … xa quá. Sự quá quắt của họ khiến cho thiên hạ phải bất bình, hay phẫn nộ.
Bài báo thượng dẫn trích lời bà Nada Faza Soraya – Chánh sự vụ Phòng Thương mại của Nam Dương – nói rằng khu trại rất quan trọng đối với hướng dẫn viên du lịch, và họ không hề có ý muốn khai thác quá khứ đen tối của chính phủ Việt Nam. (“There was no intention of exploiting the gloomy past of Vietnamese gorvernment”).
Từ Galang, phóng viên Hồng Nga của BBC có bài tường thuật (nghe được vào ngày 5 tháng 8 năm 2009) về sự việc này. Xin được trích dẫn vài điểm chính:
“Hai thập niên hiện diện của người Việt tại đây khiến thông tin trại có thể sẽ đóng cửa vĩnh viễn, ngừng đón người tới thăm khiến người dân địa phương ngỡ ngàng.”
“Lý do chính là từ khi ngừng hoạt động, trại tỵ nạn Galang cũ đã trở thành một địa chỉ du lịch khá phổ biến, mang lại thu nhập cho người bản địa.”
“Dư luận địa phương bày tỏ bất bình, trong khi có cáo buộc chính phủ Việt Nam đã gây áp lực với Jakarta để làm công việc này.”
Ông Trần Đông, đại diện tổ chức Văn khố Thuyền nhân Việt Nam cũng đã lên tiếng chỉ trích yêu sách của quân tử ta là “âm thầm xóa bỏ dấu vết tội ác, hủy hoại di tích lịch sử và nhân đạo thế giới.”
Ký giả Bùi Bảo Trúc thì lớn tiếng thoá mạ:” Càng ngày những việc chúng mày làm, và những việc chúng mày không dám làm, đều cho thấy chúng mày là một bọn chó đẻ không hơn không kém.”
Ý chèng ơi, sao mà nặng lời (với nhau) dữ vậy? Ở vào cái thế lưỡng quốc quân tử, tôi không tiện bênh ai, cũng không thể bỏ ai. Bởi há miệng (sợ) mắc quai nên tôi chỉ trộm nghĩ rằng: quân tử ta – xét cho cùng – đỡ (chó) hơn quân tử Tầu, chút xíu.
Trong vụ Tân Cương, theo lời ông Nguyễn Quang Duy – đọc được trên talawas, vào ngày 24 tháng 8 năm 2009 – đám con bà Rebiya Kadeer (còn kẹt lại ở Trung Quốc) đã bị buộc phải lên đài truyền hình, của lể bên phải, để nhận tội … thay cho mẹ!
Cách hành xử của quân tử ta, xem ra, đỡ tiểu nhân hơn chớ. Ở ta, ai bị bắt thì chính kẻ đó sẽ bị đưa lên TV nhận tội. Không có, hay chưa có, cái vụ con cái (phải) nhận tội thay cho cha hay mẹ – như ở bên Tầu.
Nói gần nói xa, chả qua nói thiệt: nếu phải từ bỏ song tịch, và buộc phải lựa chọn giữa quân tử ta và quân tử Tầu thì tôi sẽ xin về … tắm (ở) ao ta – cho nó chắc ăn. Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn. Nó hơn ở chỗ là khi tức, chửi thề bú xua còn có thằng nghe. Chớ (đ… mẹ) văng tục um xùm mà đám quân tử lạ cứ nghệch mặt ra – không hiểu gì ráo trọi – thì đứa bị tức là mình, chớ đâu phải tụi nó – đúng không? Mà bộ hết đứa chơi rồi sao mà đi chơi với Tầu, mấy cha!
Tưởng Năng Tiến