Đặng Khánh Duy
Kính gởi:
Ban Biên tập trang Bauxite Việt Nam
Ban Biên tập Báo Tuổi trẻ
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam
Tôi là một Bác sĩ, trước thực trạng yếu kém của nền giáo dục nước nhà, tôi không khỏi sôi sục trong lòng, muốn làm một điều gì đó để cứu Tổ quốc đang lâm nguy.
Những việc tôi nêu sau đây có thể áp dụng ngay, không tốn kém, nhưng lại có khả năng thức tỉnh cả một thế hệ Việt Nam đang tăm tối.
Giả sử tôi được bầu làm Bộ trưởng Giáo dục. Vâng, hãy tưởng tượng tôi là Bộ trưởng Giáo dục!
Nếu là Bộ trưởng, dĩ nhiên việc đầu tiên tôi làm là đi thăm một trường học, nhưng cái tôi thăm không phải là văn phòng Ban Giám hiệu hay lớp học mà là… nhà vệ sinh!
Vâng, nói ra thì xấu hổ, nhưng nhìn vào nhà vệ sinh của nhà trường Việt Nam thì người ta có thể hình dung ngay ra lối tư duy thiển cận, đầu óc không mấy thông minh của đám lãnh đạo Việt Nam. Mồm thì hô khẩu hiệu vì trẻ em, nhưng hành động thì không lo một tí gì cho thế hệ trẻ. Thiếu tiền có thể bớt ăn, bị suy dinh dưỡng, nhưng cái tối thiểu là vệ sinh, đại tiểu tiện hàng ngày cho học sinh mà còn lo không được thì không biết Nhà nước này có thể lo được cái gì cho dân. Toàn những lời đao to búa lớn, tìm những cái viển vông đâu đâu, trong khi cái thiết thực trước mắt làm được thì không nhìn ra.
Tôi sẽ bắt tất cả các trường học, nội trong vòng 1 tháng phải xây cho xong các toilet, cứ 10 học sinh phải có 1 bồn tiểu và 1 bồn cầu. Sau đó phải duy trì vệ sinh thật sạch đẹp.
Việc thứ hai, là tôi sẽ ban hành chương trình học.
Nhiệm vụ duy nhất của giáo dục, đó là đào tạo ra những con người phát huy được năng lực bản thân và có ích cho xã hội. Muốn như vậy, phải trang bị 5 hành trang vào đời như sau:
1. Đạo đức
2. Sức khỏe
3. Kỹ năng sống
4. Kiến thức về tự nhiên
5. Kiến thức về xã hội
Tầm mức quan trọng của 5 hành trang trên xếp theo thứ tự như vậy, chắc khỏi phải bàn ở đây.
Các tiết học của học sinh trong 1 ngày hiện nay rất khác nhau, thường là 5 môn, học sinh phải mang sách vở của đủ 5 môn rất nặng nề, và các cuộc cãi vã triền miên về phân ban, học môn nào nhiều, môn nào ít mà không có lời giải đáp, nhưng nếu nhìn tổng quát như trên thì sẽ thấy ngay rất rõ ràng. Mọi người suốt ngày tranh luận sao không dạy đạo đức, bao nhiêu tiết đạo đức, nhưng không ai chỉ ra được phải làm gì.
Việc học phải chia đều nhau, quỹ thời gian cho 5 hành trang phải bằng nhau là 20%. Mọi người sẽ bị sốc vì tôi xếp môn Toán chỉ là 1 trong rất nhiều môn trong kiến thức tự nhiên, thời gian dành cho nó chỉ khoảng 2%! Hãy cứ đọc tiếp mọi người sẽ thấy sự hợp lý.
Như vậy theo tư duy của tôi, đạo đức rất quan trọng và chiếm tới 20% quỹ thời gian học, tiếp đến là sức khỏe và kỹ năng sống, còn khoa học tự nhiên và xã hội xếp sau cùng. Ba hành trang đầu phải dạy mới biết, còn 2 hành trang sau người thầy chỉ hướng dẫn, mọi người có thể tự học được. Quí vị thấy rằng ngay từ đầu tôi đã xếp trang trọng đạo đức, sức khỏe, kỹ năng sống lên hàng đầu, ngược hẳn với tư duy của đám đông hiện nay, từ lãnh đạo cho tới phụ huynh và học sinh cứ nghĩ rằng phải học khoa học mới là quan trọng nhất.
Vậy thì, trong 5 ngày của 1 tuần, mỗi ngày chỉ học 1 môn mà thôi, cụ thể ngày nào học môn gì sẽ linh động sắp đặt. Như vậy suốt năm học, học sinh chỉ học 5 bộ môn lớn, đó là:
1. Đạo đức
2. Thể dục thể thao
3. Kỹ năng sống
4. Khoa học tự nhiên
5. Khoa học xã hội
Trong mỗi môn sẽ bao gồm các môn nhỏ như sau:
Đạo đức:
Giáo dục lễ: kính trọng chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bề trên, đàn anh, tôn trọng bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm,…
Giáo dục lòng nhân ái: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu nhân loại, yêu thiên nhiên muôn loài, yêu và bảo vệ môi trường. Đặc biệt môn môi trường phải dạy cho học sinh biết Trái đất chỉ là một chuyến tàu tốc hành chạy lẻ loi đơn độc trong vũ trụ. Mọi hành động phá hủy môi trường sẽ chỉ làm con tàu bị phá hủy và mọi người trên tàu đều biến mất, Trái đất sẽ diệt vong. Do vậy phải dạy trẻ em yêu – bảo vệ – giữ gìn – phát huy môi trường sống bao gồm: không khí, nước, đất, cây xanh, muông thú, di sản.
Trong một ngày, học sinh sẽ được học nhóm trao đổi, hướng dẫn, thực hành những bài học sinh động về đạo đức, từ đó chuyển biến và ứng dụng ngay hàng ngày, phải phát động và kiểm tra xem các em có thực hiện những điều được dạy hay không. Nếu chỉ có học mà không ứng dụng thì việc học là vô ích.
Thể dục thể thao:
Trọn 1 ngày, học sinh được chơi có hướng dẫn bất cứ môn gì chúng thích tùy điều kiện của trường (tuy nhiên có thể chia ra mỗi ngày 2h chơi thể thao thì hay hơn, như vậy 1 tuần cũng có đủ 8-10h chơi thể thao). Tối thiểu phải có chạy bộ, bóng bàn, cầu lông, đá cầu, bóng rổ, võ thuật thì trường nào cũng phải có vì những môn này không đòi hỏi sân rộng hay dụng cụ đắt tiền. Giờ thể dục, học sinh được đăng ký vào bất cứ câu lạc bộ nào, có thầy hướng dẫn, học lý thuyết và thực hành, có thi đấu, có giải thưởng. Điều kiện hiện tại mỗi trường chọn những môn phù hợp với sân bãi và dụng cụ, phát triển tăng dần.
Kỹ năng sống
Học về cách ứng xử trong xã hội, cách sinh tồn trong thiên nhiên
Học cắm trại, du lịch, hòa hợp với các nền văn hóa, tránh động đất hỏa hạn
Học thuyết trình, hùng biện, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, đắc nhân tâm (mở cuốn Nguyễn Hiến Lê ra mà dạy), lập kế hoạch, quản trị thời gian, quản trị nhân sự, ứng xử bạn bè đồng nghiệp.
Học cách ăn mặc, dọn dẹp nhà cửa, học nấu ăn
Học sửa chữa vật dụng, nhà cửa, điện nước, thêu thùa may vá, giặt ủi sao cho đúng cách, chọn và chế biến thực phẩm.
Học chăm sóc em bé, học ứng xử vợ chồng, học làm cha mẹ, học nuôi dạy con cái, học giới tính, tình yêu, tình dục
Học làm công tác xã hội, chăm sóc người già
Học dọn dẹp đường phố, cư xử văn hóa
V.v và v.v. rất nhiều không thể kể hết
Tất cả điều này chẳng ai dạy chúng ta, ai cũng bị thiếu sót, nhà trường hiện nay không biết những môn này là môn gì nên không thèm dạy luôn.
Khoa học tự nhiên:
Hiện nay mọi trường đều chia ra 50 em/lớp, ngồi từng hàng ngay ngắn há mồm chờ thầy cô giảng bài và chép bài. Hãy bỏ ngay tư duy lạc hậu đó. Dẹp hết các biển tên lớp, thay vào đó là tên các phòng: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Địa lý. Có thể đập tường ghép 2-3 lớp thành một phòng to rộng như giảng đường. Dẹp hết các bàn học, thay vào là các dụng cụ thí nghiệm, học sinh ngồi từng nhóm thảo luận, thuyết trình đề tài, thầy cô hướng dẫn. Không biên chế học sinh theo lớp, mà các em tự do đăng ký nhóm ngẫu nhiên, tới giờ cứ tự động chạy tới giảng đường, miển sao cuối năm hoàn thành hết các chứng chĩ mới được lên lớp. Học sinh được học mọi môn theo nhu cầu, em nào thích có thể học nhiều học kỹ một môn, một thầy cô mà em thích, không bị gò bó phân ban, nhưng vẫn phải đảm bảo số môn tối thiểu phải đạt tránh học lệch. Như vậy vẫn là phân ban mà không phải là phân ban; học sinh được tự do phát huy năng lực. Hiện nay tới giờ học, học sinh ngồi một chỗ, thầy cô chạy đi các lớp dạy cùng một bài hết lớp này qua lớp khác. Cách học mới thầy cô ngồi yên trên giảng đường, học sinh tới giờ phải chạy đi tới giảng đường mình đã đăng ký. Đọc chép phải cấm hoàn toàn, việc chép bài không giúp ích gì cho việc học và tư duy, chỉ làm cho học sinh ngu dốt và viết nhanh hơn mà thôi! Có thể tham khảo mọi loại sách đã thẩm định, không cần biên soạn một đống sách giáo khoa tốn kém như hiện nay, không cần soạn giáo án, vì thầy cô chỉ ra đề tài và nêu sách tham khảo, học sinh thuyết trình đề tài, tập hùng biện và diễn thuyết trước đám đông, tập làm khoa học ngay từ nhỏ.
Học Toán phải học cách tư duy, bỏ ngay việc suốt ngày làm bài tập đánh đố vô bổ. Lý Hóa phải đặt nặng thực hành để hiểu lý thuyết, tìm hiểu hiện tượng tự nhiên chứ không chỉ học vẹt, tự tay làm thí nghiệm về ánh sáng, hóa chất, điện, điện tử. Quan trọng là nuôi dưỡng các em tình yêu khoa học mai này giúp ích, chứ không phải yêu thần tượng ca sĩ diễn viên để thành một người què cụt. Địa Lý phải ra ngoài ứng dụng, học thiên nhiên chứ không phải học con số thống kê về lượng mưa hay lượng than của Liên Xô. Phải kết hợp địa – chính trị và địa – kinh tế, giúp các em hiểu ý nghĩa của từng con sông ngọn núi, thế biển của đất nước, ưu nhược từng vùng, cách trị thiên nhiên, phòng chống thiên tai, ứng dụng sức gió sức nước sức nóng, học các đường hàng hải, đường không, cách lập bản đồ, cách tìm đường đi, cách chọn địa thế. Sinh Vật phải ra ngoài thiên nhiên, tự tay trồng lúa trồng hoa, nuôi cá gà vịt. Dạy cách chống sâu bọ, cách trồng lúa, cách nuôi heo. Quan sát đời sống côn trùng, tự tay ghi chép chú thích đời sống muôn loài, tự tay mổ xẻ chuột ếch, tìm hiểu cơ thể và làm thí nghiệm. Sưu tầm và bảo vệ loài quí hiếm. lập các câu lạc bộ Toán, Lý, Hóa, Sinh để em nào thích thì tham gia chuyên sâu tùy năng lực.
Khoa học xã hội:
Học các môn sau: văn học, lịch sử, nhạc dân tộc, nhạc cổ điển, opera, hội họa, kiến trúc, điện ảnh, kịch nói, cải lương – tuồng – chèo – ca trù – quan họ, nhiếp ảnh, múa, khiêu vũ, nhạc cụ như đàn bầu, piano, guitar, violon… Tùy năng lực mỗi trường nhưng phải có tối thiểu 3 môn và học sinh thích học gì cũng được. Tối thiểu phải có 1 phòng xem phim, việc này không có gì khó, chỉ đập tường gộp 2 lớp thế là xong. Chiếu phim liên tục cho các em xem trong ngày, không chỉ là điện ảnh mà chiếu cả phim tài liệu, phim ca nhạc, giao hưởng, băng đĩa cải lương tuồng chèo. Có thầy cô hướng dẫn bình luận, tìm hiểu cái hay cái đẹp của tác phẩm. Tránh chiếu phim Hollywood mà chiếu tất cả các phim hay của Việt Nam và các nước như Pháp, Ý, Iran, Thổ, Ấn,… giàu tính nhân văn. Giúp các em đánh giá và hiểu điện ảnh chứ không mê phim bạo lực và giải trí đơn thuần của Mỹ, cái đó về nhà ra đường đầy dẫy, khỏi học các em cũng biết. Lập các câu lạc bộ kịch, cải lương, guitar, quan họ,… Tổ chức các em tự tập và biểu diễn ca, vũ, nhạc, kịch, cố gắng mời các đoàn chuyên nghiệp tới diễn miễn phí, sau này các em sẽ là fan trung thành và là người biết thưởng thức. Các nhà hát đừng sợ lỗ mà ngược lại nên xung phong diễn cho các em. Bằng chứng rõ rệt của sự ảnh hưởng của xã hội là khán giả Sài Gòn mê kịch và Cải lương hơn Hà nội, Moscow mê ballet, giao hưởng, opera; New York mê kịch. Tất cả những cái đó là do tình yêu và thói quen được nuôi dưỡng từ nhỏ, không thể tự nhiên mà có. Kêu gào trách móc giới trẻ quay lưng với nhạc dân tộc, trong khi cả đời chúng không được nghe và phân tích cái hay cái đẹp của nhạc dân tộc thì làm sao chúng không quay lưng cho được. Giáo sư Trần Văn Khê, Trần Quang Hải diễn giảng hơn 1.000 buổi trên thế giới, vậy mà giới chức lãnh đạo không thèm ngó ngàng chỉ mời diễn cho có vài ba buổi tại các trường học Việt Nam, đó là do giới lãnh đạo lúc nhỏ cũng chẳng được dạy dỗ gì, thì lớn lên cũng chẳng biết phải dạy dỗ lớp trẻ như thế nào.
Văn thì học cái đẹp của tác phẩm, học viết đúng chính tả, học viết thư xin việc, học viết báo cáo, diễn văn, học thuyết trình, học hùng biện, nhiều thứ để học, chứ không phải chỉ học chị Dậu, chị Sứ, Tố Hữu !
Sử thì không học số liệu, mà học ý nghĩa và bài học của từng sự kiện, dùng tư liệu sinh động chứ không dùng sách giáo khoa, dạy kỹ về sử việt.
Như vậy chỉ với những biện pháp đơn giản như trên không quá tốn kém, chúng ta có thể tạm yên tâm về cấp tiểu học và trung học.
Mầm non và mẫu giáo, không gì khác ngoài việc đầu tư trường lớp và tăng lương giáo viên, nhưng tôi chắc chắn rằng giới lãnh đạo Việt Nam có 50 năm nữa cũng chẳng nhúc nhích gì, cho nên tôi khỏi cần bàn cho phí thời gian.
Dạy nghề và đại học
Một biện pháp rất đơn giản có thể tìm ngay những sinh viên giỏi mà không cần thi tuyển, không cần bàn cãi triền miên, đó là yêu cầu đầu vào chỉ cần duy nhất TOEFL 500 hoặc IELTS 6. Không có ngành kỹ thuật nào mà không cần tiếng Anh. Đại học Việt Nam không thể có tham vọng đào tạo mọi ngành với chất lượng quốc tế, mà chỉ cần chọn 1 vài nghành, đào tạo 20 sinh viên một năm cũng được, miễn là chất lượng ra phải là quốc tế. Với đầu vào tiếng Anh cao, không cần thi tuyển cũng loại ngay được 99% học sinh hiện nay! Đầu ra thật khắt khe thì tự khắc những người không có thực học bị loại liền, vậy thì tức khắc chỉ còn con đường học nghề. Việt Nam không cần có 1 triệu sinh viên nửa mùa / năm, mà chỉ cần 1000 sinh viên cực giỏi và 1 triệu công nhân giỏi một năm. Việc đầu tư cho 1.000 sinh viên dễ dàng hơn nhiều việc lo cho 1 triệu sinh viên. Song song đó thì hệ thống tự học suốt đời phải phổ biến, để 1 người công nhân cũng có kiến thức không giới hạn nếu chịu học. Chỉ đào tạo nghề nào xã hội cần, có thể bắt đầu từ năm 16 tuổi chứ không nhất thiết phải 18 tuổi mới dạy nghề, như vậy Việt Nam có sẵn sàng một lực lượng lao động hùng hậu, không phí phạm thời gian tiền bạc của xã hội để đào tạo ra 1 triệu sinh viên nhưng hầu như không áp dụng được gì trong khi không có công nhân. Việc tăng dần sinh viên sẽ theo trình độ của xã hội, chứ không duy ý chí theo kế hoạch là phải đào tạo 10.000 tiến sĩ / năm.
Thu hồi tất cả bằng Tiến sĩ của những người không làm nghiên cứu. Kể cả ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng phải bị lột bỏ bằng Tiến sĩ, vì ổng đang làm quản lý đấy chứ, chừng nào ổng làm nghiên cứu 100% toàn thời gian trong 10 năm thì mới được cấp bằng lại. Việt Nam cần ứng dụng, chứ không cần Tiến sĩ mà không ứng dụng được, nên dẹp ngay chương trình đào tạo Tiến sĩ cho đến khi trình độ phát triển tầm mức khu vực châu Á. Dẹp ngay những ngành vô bổ mà chỉ đầu tư cho những gì Việt Nam cần trước mắt và 50 năm tới.
Trên đây là những dòng tâm huyết, kính mong Ban Biên tập cho đăng rộng rãi để mọi người góp ý và lay chuyển được những đầu óc chai sạn trong giới lãnh đạo vì: TỔ QUỐC ĐANG LÂM NGUY.
Xin cám ơn
Sài Gòn, ngày 16 tháng 11 năm 2009