Viết bởi Ban biên tập
Thứ bảy, 15 Tháng 8 2009
Kính thưa quốc dân, đồng bào,
Chúng tôi viết các lá thư này để kêu gọi quốc dân, đồng bào hãy đoàn kết lại vì một số mục đích chung cho quốc gia mà có lẽ tuyệt đại đa số quốc dân đồng bào đang cùng chia sẻ.
Quý đồng bào được mời gọi để suy nghĩ về một bản Hiến pháp mới cho đất nước chúng ta, nước Việt Nam Dân quốc trong tân thiên niên kỷ. Đề tài này nói lên tầm mức quan trọng của sự việc, vì lẽ bản Hiến pháp là văn bản căn bản nhất trong mọi văn bản luật pháp, trên nền tảng đó tất cả các bộ luật sẽ được soạn thảo ra sau này. Quốc gia Việt Nam trong 20 và 200 năm sau có ra sao là tùy thuộc vào những điều chúng ta suy luận, quyết định, và soạn thảo hôm nay.
Kể từ khi Vua Hùng Vương thứ Nhất dựng nước Văn
Lang đến nay đã qua nhiều ngàn năm, hàng trăm triều đại, nhưng chưa có một triều đại, một chính phủ nào từ nhân dân, của nhân dân, và vì nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử trên 4000 năm trong thời phong kiến, chỉ có "cha truyền con nối". Vào thời văn hóa, văn minh còn sơ khai, điều này có thể thích hợp hoặc rất thích hợp vì chỉ một số rất ít dân chúng có điều kiện học hỏi cách quản trị bộ lạc, nhóm người, quốc gia. Do đó nếu quyền hành được truyền nối cho ai khác ngoài con vua, thì đã xảy ra nhiều cảnh tranh giành quyền lực, nội chiến xảy ra liên miên. Nhưng "cha truyền con nối" cũng không phải là phương cách tốt nhất, vì lẽ lãnh đạo chỉ trong số các con vua, cho dù có được giáo dục đến thế nào thì sau này cũng chỉ vì quyền lợi ích kỷ của chính nhà vua và / hoặc của hoàng gia mà hoạt động, chứ không hẳn là vì lợi ích quốc dân, đồng bào.
Cho đến khoảng 100 năm trở lại đây, do hoàn cảnh lịch sử, thời phong kiến chấm dứt, tạo điều kiện cho các chính phủ theo đảng phái lên nắm quyền. Hết rồi cảnh "cha truyền con nối", nhưng thay vào đó là một hình thức phong kiến khác, do các nhóm nhỏ người tự cho mình có quyền quyết định vận mạng cả dân tộc. Thực tế họ không khác các nhà vua thời phong kiến ở chỗ họ không từ nhân dân mà ra, không là gì của nhân dân, và nhất là không vì nhân dân mà phục vụ. Họ hình thành các nhóm nhỏ có đặc quyền đặc lợi, từ bé các con cháu trong nhà quan chức cao cấp đã được dạy dỗ rằng họ rất đặc biệt, khác với dân thường, phạm tội sẽ không bị xét xử như dân thường, và sau khi học xong, hoặc du học về, họ sẽ tiếp tục làm lãnh đạo thế hệ kế tiếp. Các thành phần này, do đó, cho dù có học thức cao siêu đến thế nào, có lòng từ nhân đến cách mấy, khi làm lãnh đạo cũng sẽ phải phục vụ cho phe nhóm họ chứ không thể và không hề vì lợi ích quốc dân, đồng bào.
Quốc gia Việt Nam chúng ta còn tiếp tục theo đuổi các phương cách quản trị quốc gia, phục vụ cho các lãnh đạo quốc gia, như hiện nay cho đến bao giờ?
Bản Hiến pháp hiện nay không cho phép bất cứ sự chỉ trích chính phủ nào, còn kể gì đến việc thay đổi chính phủ, tìm ra các lãnh đạo khác từ nhân dân, của nhân dân, vì nhân dân? Có phải đây sẽ là một tội phạm thiên thu cho những ai chẳng qua chỉ muốn tìm ra các lãnh đạo thực sự phục vụ cho nhân dân, do nhân dân tự do bầu chọn? Tại sao chọn lãnh đạo lại là một tội phạm hình sự, nhẹ thì ở tù, nặng thì tử hình, toàn gia tộc bị cả hệ thống chính trị, tuyên truyền khổng lồ trù dập đến chết mới thôi?
Kính thưa quốc dân, đồng bào Việt Nam yêu quý,
Quốc dân, đồng bào sẽ phải trả lời cho chính mình, và cho con cháu mình, các câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc kể trên. Cho dù vì lý do nào đó, đồng bào cố gắng chịu đựng, nhẫn nhịn chính phủ hiện nay, Bản Hiến pháp hiện nay, các chính sách hiện nay đặt trên Bản Hiến pháp đó, nhưng còn thế hệ con, cháu, chắt của đồng bào, các thế hệ trẻ hiện nay thì sao? Có phải đồng bào muốn chúng và con cháu chúng vĩnh viễn làm nô lệ trên ngay quê hương mình, không có tiếng nói trên chính mảnh đất mà cha ông đồng bào và có thể chính đồng bào đã bỏ xương máu ra khai phá, gìn giữ, qua bao trận chiến chống ngoại xâm?
Cha ông chúng ta đã hy sinh, cống hiến nhiều ngàn năm cho dân tộc ta để làm gì, để dân tộc ta ngày nay quá ư tệ rạc về kinh tế, quá thấp về dân trí, quá ốm yếu về sức khỏe, nhưng quan trọng hơn hết là quá bất nhân, nghĩa, trí, dũng trong chính quyền?
Đâu rồi tiếng trống trận từ thành Cổ loa, Hoa lư, Thăng long chống các điều bất nhân, bất nghĩa trong giới cầm quyền; đâu rồi tiếng kêu gọi hiền tài ra giúp sức trong các trận chiến kinh hồn trên Bạch đằng giang; đâu rồi các anh hùng dân tộc thường hay xuất hiện mỗi khi dân tộc ta bị nguy khốn, khi các trận chiến chống ngoại xâm làm máu dân ta đổ thắm lòng đất mẹ, chảy đỏ sông Hồng, xương cốt ngăn dòng nước, chỉ để dân tộc ta mãi mãi trường tồn?
Triều đại nào rồi cũng qua đi, Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, rồi cũng đi vào quá khứ. Một số anh hùng được ghi vào sử sách, cũng có một số người bị chế giễu ngàn thu. Hai mươi năm và hai trăm năm sau, lịch sử sẽ viết về thời đại chúng ta như thế nào, chống ngoại xâm hay cõng rắn cắn gà nhà, xây dựng nền tự do dân chủ xã hội hay chấp nhận bạo quyền lãnh đạo quốc gia, làm quốc gia phú cường hay ngày càng thua sút các quốc gia quanh vùng?
Lịch sử đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta hiện nay. Giặc ngoại xâm nay hùng mạnh hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, giặc nội xâm nay tinh vi, tàn ác hơn bất cứ khi nào trong lịch sử - và không phải chỉ trong chính quyền. Nay văn hóa dân tộc ta ngày càng thoái hóa, giao thông gây chết người và khó tránh hơn khi còn chiến tranh, nền kinh tế lụn bại, y tế hủ bại - các điều tệ hại này hẳn quốc dân, đồng bào đều chứng kiến rõ hàng ngày.
Quốc dân, đồng bào đang được kêu gọi trả lời các câu hỏi trên, và được mời gọi đóng góp ý kiến cho việc lập nên một Bản Hiến pháp từ sự suy nghĩ và lựa chọn, để thay thế cho Bản Hiến pháp hiện hành được viết ra chỉ để phục vụ cho một phe phái cầm quyền, phục vụ cho sự vĩnh viễn hóa phe nhóm này trong các chức vụ cao cấp nhất cùng các quyền lợi khổng lồ từ các chức vụ này mang lại.
Nếu sự suy nghĩ, lựa chọn và quyết định của đồng bào là đúng, thì rất nhiều vấn đề tệ hại sẽ được cấp bách giải quyết. Nếu không, hậu quả lâu dài sẽ khó thể tưởng tượng.
Sẽ rất may mắn cho dân tộc ta nếu sự suy nghĩ và chọn lựa này được mọi thành phần dân chúng đóng góp ý kiến, và được dẫn dắt bởi các sự lượng định khôn ngoan hơn là các thành kiến thị phi, sự nhân nghĩa hơn là các lời tuyên bố bạo lực, sự chính đáng hơn là các lời tuyên truyền giả dối, lòng bác ái vị nhân hơn lòng ích kỷ phe phái.
Hơn hết, sự suy nghĩ và lựa chọn phải đặt quyền lợi của quốc gia lên trên mọi thành phần, đảng phái; phải nhằm xây dựng hơn là phá hoại; nhằm bao dung hơn là trách móc; nhằm tha thứ hơn là trả thù.
Nhưng, đồng bào Việt Nam yêu quý của tôi ơi, đây là một việc dễ mong ước, đặt kế hoạch, hơn là thực hiện. Vì lẽ kế hoạch này sẽ làm thiệt hại quá nhiều quyền lợi của quá nhiều người đang và sẽ có quá nhiều quyền hành tại Việt Nam. Nhiều quan điểm, cảm xúc mạnh, và thành kiến sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho cuộc cách mạng dân chủ xã hội này.
Trở ngại lớn nhất mà Tân Hiến pháp sẽ gặp là sự cản trở kinh hoàng của toàn hệ thống chính trị tại Việt Nam. Hệ thống này đang đem lại quá nhiều, quá lớn, quyền lợi cho giới cầm quyền nên họ sẽ không dễ dàng chấp nhận việc Tân Hiến pháp đem lại quyền lợi đồng đều cho quốc dân, đồng bào.
Trở ngại kế tiếp là các thành phần cực đoan tại hải ngoại, một cách rất đáng tiếc, vì họ vẫn muốn có trả thù, có bạo lực, có lòng ích kỷ phe phái. Một số muốn tiếp tục tình trạng hiện tại vì họ đang giữ vững quyền lợi, chức vụ họ trong hoàn cảnh bất an của quốc gia, để họ tiếp tục các chương trình chống đối chính phủ hiện tại hơn là chấm dứt để theo đuổi một phương cách hòa bình, hòa hoãn, bất bạo động, không hận thù, không trả thù, thậm chí không trách móc như tinh thần Hiến pháp 7 đề cao.
Tuy nhiên, chúng tôi không muốn đề cập đến các vấn đề này quá nhiều, vì biết rằng không thể giải quyết tất cả mọi sự phản đối, phản bác. Chúng tôi hiểu rằng hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, xã hội, mất mát cá nhân và gia đình đã đẩy họ vào các quan điểm đó. Một số trong hai nhóm trên thật ra đã có các ý tưởng trên do một lương tâm chính trực. Một số rất đáng trân trọng và kính nể, chúng tôi hy vọng sẽ có dịp đối thoại với họ, và hy vọng rằng sau khi họ đọc một số trong số 100 bài Thư Quốc gia thì họ sẽ thay đổi ý kiến và không còn chống Bản Hiến pháp 7.
Công việc sắp tới sẽ không dễ dàng, vì sẽ bao gồm nhiều bài tổng luận về nhiều đề tài rất bao quát, đòi hỏi rất nhiều thời gian thu thập tài liệu trong nhiều lãnh vực khác nhau, tổng hợp và viết ra theo hướng ủng hộ hoặc phê bình Bản Hiến pháp 7.
Chúng tôi kêu gọi quốc dân, đồng bào khắp nơi trên thế giới ủng hộ cho công việc chung này, cụ thể là viết một loạt bài theo những đề tài sau đây:
* Tầm quan trọng và ích lợi của Hiến pháp 7
* Cách tổ chức chính phủ mới
* Tuyên ngôn nhân quyền cho Việt Nam
* Cách tổ chức các Thành phố như là các đơn vị tự trị
* Ngành Tư pháp
* Ngành Lập pháp
* Ngành Hành pháp
Chúng tôi sẽ chọn lựa và đăng các bài phù hợp, có thể viết thêm cho thỏa đáng tất cả mọi tranh luận hoặc phản đối về các đề tài trên. Chúng tôi cũng sẽ tự viết ra một số bài theo tinh thần Bản Hiến pháp 7, và sẽ từ từ đăng lên các diễn đàn để mọi người cùng tranh luận.
Nhân dân Việt Nam